Dẹp bến cóc, xe dù; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện nhiệm vụ trên là những vấn đề được đặt ra nhiều nhất tại hội thảo “Giải pháp nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách tại TPHCM”, do Ban An toàn giao thông TPHCM, Báo Giao thông tổ chức ngày 27-5.
Rối loạn trật tự an toàn giao thông
“Chúng ta cần chung tay dẹp xe khách trá hình, bến xe khách lậu (hay còn gọi là xe dù, bến cóc)” - Phó tổng Giám đốc Công ty CP dịch vụ du lịch và vận tải Phương Trang, Văn Công Điểm đề nghị thẳng như vậy khi nói về tình trạng xe khách trá hình, bến xe khách lậu ngày càng lộng hành.
Bởi lẽ, theo ông Văn Công Điểm, xe không vào bến đón trả khách theo quy định không những làm rối loạn trật tự an toàn giao thông chung của thành phố mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định về vận tải của Nhà nước. Xe đón khách sai phép, trái phép, bến xe hoạt động trá hình, kinh doanh ra sao, bán được bao nhiêu vé cho hành khách… ngành chức năng không nắm được. Điều này đã gây thất thu hàng trăm thậm chí hàng ngàn tỷ đồng thuế cho TP mỗi năm. Doanh nghiệp chấp hành đúng quy định của Nhà nước, đóng thuế đầy đủ, không cạnh tranh được với doanh nghiệp trốn thuế đã buộc phải thu hẹp kinh doanh. Thậm chí đã có đơn vị phản ứng rất tiêu cực: bỏ bến xe khách liên tỉnh (được Nhà nước công nhận) ra ngoài hoạt động nhằm cạnh tranh với xe khách trá hình.
Đại diện Công ty Thành Bưởi, ông Nguyễn Hồ Hữu Tùng nói thêm, xe dù thường nhồi nhét khách, bắt nạt khách dọc đường làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên đường đi, đến hoạt động du lịch… Nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra do xe dù chạy ẩu.
Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cũng thừa nhận, xe dù, bến cóc tồn tại đã tạo ra môi trường kinh doanh vận tải không lành mạnh, gây mất trật tự vận tải, làm thất thu ngân sách…Tình trạng này “nóng” tới mức, đã có nhiều doanh nghiệp, hiệp hội vận tải gửi đơn “cầu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị sớm giải quyết vấn nạn xe dù, bến cóc như: Hợp tác xã Quyết Thắng (tỉnh Đắk Lắk), Hiệp hội vận tải Hà Nội… Mới đây, 12 doanh nghiệp vận tải ở TPHCM gửi đơn kiến nghị Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM xử lý nghiêm “xe khách trá hình”, “bến xe khách lậu”.
Sửa luật
Để giải quyết tình trạng này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn TPHCM kiến nghị UBND TPHCM thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để mật phục, thanh tra toàn diện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải tổ chức “xe khách trá hình” đón, trả khách trong “bến xe khách lậu”. Sở GTVT TP rà soát dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GPS) của các xe hợp đồng, xe du lịch trá hình, để sàng lọc và công khai trên Website của Sở GTVT. Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho xe dù hoạt động một cách hợp pháp.
Để tăng cường năng lực quản lý vận tải cho các Sở GTVT, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị, cho rà soát lại tất cả cán bộ công chức chuyên trách quản lý vận tải ở các tỉnh thành để xác định có bao nhiêu người thực sự là kỹ sư học về vận tải, hay học ngành khác. Qua đó đánh giá năng lực và có kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng này.
Kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, Luật Giao thông đường bộ vẫn còn một số điểm cập nhập chưa kịp với thực tiễn. Nguyên nhân do tốc độ phát triển vận tải đường bộ thời gian qua quá nhanh, có nhiều phát sinh mới. Chính phủ đã giao Bộ GTVT kiểm tra để có sự chỉnh sửa, bổ sung. Trước mắt, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Tổng cục đường bộ, Vụ Vận tải phối hợp để bắt đầu từ tháng 11-2016 công khai bản đồ số để doanh nghiệp và các tổ chức giám sát hoạt động vận tải. Sở GTVT TPHCM chủ trì xây dựng đề án về những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý vận tải bằng ô tô. Trong đó, phải đưa ra được các giải pháp chống xe dù, bến cóc. Đồng thời phải xây dựng lộ trình thực hiện, quy trách nhiệm từng người cụ thể.
|
QUỐC HÙNG - LƯƠNG THIỆN