LTS. – Nhiều bạn đọc có con trong độ tuổi đến trường tỏ ra đồng tình với bài báo “Học sinh cũng… tăng ca” (Báo SGGP số ra ngày 10-10). Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến đầy bức xúc, trăn trở của bạn đọc gửi đến.
Đừng để thành... “dịch”
Mấy năm gần đây, chuyện học sinh (HS) “tăng ca” đã trở thành một phong trào, nếu không quá đáng phải gọi đây là “dịch” và càng ngày “dịch” này càng trầm trọng, có xu hướng lây lan dẫu ngành giáo dục đã ra sức “giảm tải”.
Là một phụ huynh, theo dõi việc học hành của con, tôi thấy có mấy nguyên nhân dẫn đến việc “tăng ca” trong nhà trường hiện nay. Một, ngoài chương trình chính khóa, ngành giáo dục hiện nay lại đang ra sức mở thêm nhiều lựa chọn khác và xem đây như một cách làm sáng tạo, điển hình là chuyện học tiếng Anh.
Bây giờ không chỉ có lớp tăng cường tiếng Anh mà bên cạnh đó nhiều trường lại mở thêm lớp tiếng Anh nâng cao, rồi lại thêm chương trình tiếng Anh Cambridge. Như con tôi, ngoài 6 buổi học chính khóa, cháu còn phải học thêm 2 buổi chiều cho tiếng Anh nâng cao mà hiệu quả chẳng bao nhiêu, nhiều phụ huynh tâm sự với nhau rằng đã sai lầm khi cho con vào học chương trình này. Hai, mặc dù nói giảm tải nhưng khi mới vào đầu năm học, nhiều thầy cô giáo cho làm bài kiểm tra khó đến độ theo lời con tôi: “cả lớp chẳng ai làm được”, thế là đua nhau đi học thêm. Nhiều cháu cùng lớp con tôi, học thêm mấy năm liền tại các trung tâm ngoại ngữ tên tuổi, đắt tiền… rốt cuộc cũng đành phải “quay đầu” về lớp dạy thêm của thầy cô giáo trong trường.
Nhiều phụ huynh nơi con tôi học không ít lần ấm ức kể chuyện những cháu “cứng đầu”, không đi học thêm thì hậu quả… nhãn tiền: điểm kém, nếu làm toán đúng đáp số vẫn không được điểm cao do làm “thiếu bước” (?).
Thiết nghĩ, các đại biểu hội đồng nhân dân, các tổ chức, đoàn thể… cần đi khảo sát thực tế và sớm có thái độ với chuyện “tăng ca” của học sinh hiện nay. Mọi người cần có ý kiến và buộc ngành giáo dục phải có biện pháp khắc phục, đừng để chuyện “tăng ca” thành… “dịch”, sau này khó chữa!
CÔNG TÂM (Bình Thạnh)
Dạy và học thực chất không cần tăng ca
Học sinh phải tăng ca đã trở thành chuyện thường ngày ở mỗi gia đình có con em đang theo học phổ thông. Thế nhưng, tại sao nhà nhà, người người từ phụ huynh đến HS phải chuốc khổ vào thân, tự nguyện “cuốn vào vòng xoáy” học thêm, thậm chí cho con tăng ca từ khi vào lớp 1? Phải chăng lỗi đầu tiên thuộc về phụ huynh - những người luôn kỳ vọng vào chuyện học hành của con cái. Điều này chỉ đúng một phần.
Khảo sát những phụ huynh chấp nhận cho con học thêm cho thấy phần đông đều mệt mỏi khi phải tốn thêm tiền, tốn thêm thời gian đưa đón con. Tôi cũng từng nhất quyết không cho con học thêm suốt những năm học tiểu học, đến đầu cấp THCS. Vậy mà đến lớp 8, con tôi nài nỉ phải cho nó học thêm 3 môn Toán, Lý, Hóa nếu không học thêm thì không thể hiểu bài sâu, không thể làm bài đạt điểm cao và chắc chắn không thể tìm được một chỗ học tốt vào đầu cấp - THPT.
Cả lớp học gần 50 học sinh của cháu đều đi học thêm ít nhất 2 đến 5 môn gồm Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh văn. Nhờ đầu tư cho con học thêm ca ba nên đến kỳ thi chuyển cấp lên lớp 10, cháu dễ dàng tìm được một chỗ học ở Trường THPT Lê Quý Đôn.
Cứ tưởng vào môi trường học tập có mác chất lượng cao, con tôi sẽ không phải học thêm môn nào, còn tôi được giải phóng việc đưa đón mỗi đêm. Vậy cả năm lớp 10 và hiện đang học lớp 11, cháu vẫn tiếp tục phải học ca ba môn Toán, Anh văn. Cháu nói “Con học thêm có hai môn là ít nhất, còn trong lớp bạn nào cũng học thêm ít nhất 3 - 4 môn...” Riêng cháu tôi cũng theo học lớp 12 tại trường chất lượng cao này thì lịch học tăng ca kín 7 ngày trong tuần. Cha mẹ cháu khẳng định, không học thêm không thể thi đậu đại học.
Trong các buổi họp phụ huynh HS, nhà trường luôn tự hào và quảng bá đây là môi trường học tập tốt nhất, chất lượng đảm bảo… Nhưng xin thưa với ban giám hiệu là trong kết quả học tập, thành tích mà trường đạt được là lọt vào tốp các trường có tên tuổi ở TPHCM, có bao nhiêu công lao của nhà trường, thầy cô và bao nhiêu thuộc về mảng chìm - học thêm - tăng ca của HS lẫn sự đầu tư tiền bạc, công sức của phụ huynh. Chính vì thế, để giảm bớt việc học tăng ca, ngành giáo dục nước nhà phải đổi mới thi cử, giảm tải chương trình học ở các cấp học, tập trung cho những môn học thiết thực.
Do học quá nhiều môn, nhồi nhét quá nhiều kiến thức trên lớp, nên cả thầy lẫn trò phải vật lộn với chương trình, chạy theo giáo án nên không còn thời gian giảng bài sâu. Điều quan trọng nữa là phải trả lương cho giáo viên đủ sống để họ yên tâm đứng lớp truyền đạt kiến thức cho HS đúng nghĩa, thay vì dạy cho có, dạy hết chương trình, còn sức lực và tâm huyết dành cho những lớp dạy thêm để kiếm thêm thu nhập.
Nên cấm triệt để dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học
Tôi cho rằng việc cấm dạy thêm/học thêm là việc cấp bách lúc này, nhất là ở bậc tiểu học. Nhiều trường cho rằng, nếu không học thêm thì với 45 phút/tiết không đủ để giải quyết hết bài học, nhưng họ lại quên rằng hầu như trường nào cũng có ít nhất 3 buổi/tuần học tăng tiết. Vậy tăng tiết để làm gì nếu không dùng để hỗ trợ những bài dài không đủ thời gian giải quyết trên lớp?
Dù ở cấp nào, lớp nào thì học sinh ngày nay cũng phải gánh đủ 3 ca với vô vàn lý do. Nhà trường muốn tăng tiết để giải quyết hết những bài học dài, giáo viên muốn dạy thêm để học sinh nắm vững và nâng cao kiến thức, sẵn sàng cho các kỳ thi, còn phụ huynh thì muốn con mình tiến bộ hơn, kết quả học tập cao hơn và hơn hết là được “an toàn” khi tham gia lớp học thêm do các thầy cô phụ trách môn mở.
Chính những lý do rất “chính đáng” của người lớn mà tuổi thơ của các em bị đánh cắp. Không còn những buổi xế chiều ngồi xem phim hoạt hình hay chơi các trò đu quay, cầu tuột, thả diều…
MINH VÂN (quận 9)