Trước những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, cũng như cùng chung tay với thế giới trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu, thành phố đã tăng cường các hoạt động tái chế chất thải như đã đưa vào hoạt động hai nhà máy sản xuất compost với tổng công suất xử lý là 1600 tấn/ngày, trong đó khối lượng từng loại chất thải được xử lý bao gồm 900 tấn chất thải thực phẩm được xử lý compost, 150 tấn nhựa được tái chế, chất thải còn lại được đem đốt (không thu hồi năng lượng) và chôn lấp.
Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế hiện nay của thành phố mới đạt ở mức 31,8%, vẫn còn một lượng lớn chất thải rắn của thành phố tiếp tục được chôn lấp và phát sinh lượng khí nhà kính khổng lồ trong nhiều năm tiếp theo. Khi chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn còn chưa được triển khai tại thành phố thì công nghệ chôn lấp chất thải là công nghệ thích hợp với chi phí thấp. Mặc dù công nghệ này lãng phí nguồn năng lượng, nguyên liệu có thể thu hồi và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm lớn đòi hỏi phải được duy trì vận hành đúng cách trong thời gian dài.
Với tốc độ phát triển như hiện nay của thành phố, nếu phân loại chất thải rắn tại nguồn và tăng cường tái chế không được triển khai thì đến năm 2050 thành phố sẽ phải đối mặt với nguy cơ không có đất để chôn lấp và nếu sử dụng công nghệ đốt cho toàn bộ chất thải thành phố thì chi phí vận hành sẽ là gánh nặng lớn đối với ngân sách.
Như tên gọi của chương trình, sự thành công của chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn phụ thuộc nhiều vào sự tham gia của người dân. Chương trình chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi người dân thành phố có thể hiểu và tham gia đầy đủ vào chương trình. Trong 5 hộ tham gia, chỉ cần có 1 hộ gia đình phân loại không đúng thì công sức của 4 hộ còn lại coi như là vô ích. Bởi vì, để chất thải sau khi phân loại tại nguồn sẽ được đem đi tái chế mà không qua một khâu xử lý trung gian tốn kém thì thành phần chất thải phải đảm bảo được yêu cầu của nhà máy. Do đó, hiện nay thành phố vẫn đang trong các bước khởi động của chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn mà công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng là khâu quan trọng nhất. Trong tương lai, khi chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn và tăng cường tái chế được thực hiện thành công, thành phố không chỉ giảm thiểu được một lượng lớn khí nhà kính phát sinh vào bầu khí quyển chung tay cùng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn đem lại nhiều lợi ích kinh tế từ ngay chính nguồn chất thải của mình theo hướng quản lý không phát thải
KIM NGÂN - Văn phòng Biến đổi khí hậu