Phải mất hơn 10 ngày, việc chỉnh trị phân luồng giao thông trên đường Trường Chinh (TPHCM) mới tạm ổn. Để có được sự “tạm ổn”, báo chí phải tốn khá nhiều giấy mực để nói về nỗi khổ của người dân khi “bỗng dưng… kẹt xe, ùn tắc”.
Thực hiện Năm An toàn giao thông, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã dốc sức nghiên cứu những khiếm khuyết hiện hữu của tình trạng giao thông và triển khai những biện pháp khắc phục. Trước mắt, phân luồng giao thông, gắn thêm biển báo… để giảm bớt nạn kẹt xe. Tiếc thay, thực tế việc phân luồng trên đường Trường Chinh đã diễn ra không như ý muốn: mỗi sáng, chiều hàng chục ngàn xe 2 bánh rồng rắn nối đuôi, ảnh hưởng đến giờ làm việc, tiêu hao thêm nhiên liệu… của người dân. Vấn đề cần xét, ngành GTVT đã thực sự điều nghiên kỹ trước khi thực thi các giải pháp chưa?
Trả lời trên Đài Truyền hình TPHCM (HTV), một lãnh đạo của Sở GTVT thừa nhận việc phân luồng không hợp lý đã khiến người đi xe gắn máy thêm vất vả và ngành này đang cố gắng chỉnh sửa cho phù hợp. Có thể cảm thông những khó khăn của ngành GTVT nhưng nhiều người cho rằng giá như các chuyên gia ngành GTVT khảo sát kỹ trước khi áp dụng các giải pháp người dân sẽ đỡ vất vả hơn. Ai cũng đồng tình rằng không nên để xe 2 bánh lưu thông vào làn ô tô, nhưng lưu lượng xe 2 bánh nhiều hơn ô tô, nên việc ép dòng xe 2 bánh vào làn đường quá hẹp như ở đường Trường Chinh, không gây kẹt xe mới là lạ!
Tương tự, hơn một tháng nay, người lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt ngạc nhiên khi thấy làn đường dành cho ô tô trở nên hẹp hơn khi ngành GTVT cho gắn thêm dải phân cách bằng sắt để chia đường cho xe gắn máy. Lý lẽ được đưa ra: phân luồng để tránh kẹt xe, để xe 2 bánh không lưu thông lẫn lộn với ô tô… Vậy là, đại lộ hiện đại với 3 làn đường ô tô mỗi bên thì giờ đây bên phía ven rạch chỉ còn 2 làn. Lâu nay làn đường dành cho xe 2 bánh sát rạch tách biệt với làn đường ô tô bằng dải phân cách cứng (tức các tiểu đảo trồng cây xanh) chẳng mấy xe máy chạy vào vì quá hẹp, chỉ 2 xe đã khó qua mặt nhau.
Thông tin mới đây cho biết, ngành chức năng đang có ý định phá bỏ các dải phân cách cứng này để mở rộng mặt đường cho xe 2 bánh. Đại lộ này vừa mới hoàn thành, khá tốn kém, nay gắn thêm dải phân cách bằng sắt nghe đâu cũng cả chục tỷ đồng, rồi lại phá cái cũ, tốn thêm bao nhiêu tiền để sửa chữa cái bất hợp lý. Sao không nghiên cứu kỹ trước khi làm đường để tránh kiểu “đập - xây, xây - đập” gây tốn kém, lãng phí? Vậy tiền này ai chịu, phải làm rõ, không thể cứ lấy tiền thuế của dân sử dụng bừa bãi như thế được.
Đó là chưa nói vừa qua người ta lại cho gắn thêm hàng chục bảng thông tin điện tử, trị giá mỗi bảng 1 tỷ đồng mà thông tin chủ yếu là tuyên truyền về giao thông. Kinh phí TPHCM sẽ tiêu tốn gần 380 tỷ đồng để ngành GTVT triển khai các giải pháp Năm An toàn giao thông, trước mắt là chi vào việc gắn thêm các dải phân cách, bảng thông tin điện tử… Số tiền trên không nhỏ, nếu không có điều nghiên, khảo sát kỹ lưỡng thì e rằng “đá ném ao bèo” mà kẹt xe vẫn hoàn kẹt, thậm chí còn kẹt nặng như đã làm ở đường Trường Chinh. Mong ngành GTVT khảo sát kỹ trước khi triển khai các giải pháp, cần thiết thì chỉ làm thí điểm từng đoạn, từng khu vực, có đánh giá rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà. Được như vậy, người dân sẽ đỡ vất vả và tiền thuế của dân được sử dụng hiệu quả.
MỸ QUANG (quận 8, TPHCM)