Trước đây, tuyến đường này ít xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Cách nay hơn 1 năm, gần giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm được mở thêm 2 lối rẽ để các phương tiện rẽ phải.
Lối rẽ phải về đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có chiều rộng chỉ vừa bằng chiều ngang chiếc ô tô, vậy mà để tránh chờ đèn đỏ, nhiều ô tô cũng rẽ vào, gây ùn tắc, các phương tiện đi thẳng cũng không có lối đi.
Thường ngày, từ 7 đến 9 giờ sáng là xảy ra ùn tắc. Nhiều khi xe nối đuôi nhau rồng rắn kéo dài đến đường Tôn Đức Thắng và qua đường Lê Thánh Tôn.
Buổi chiều thì ùn tắc theo hướng ngược lại. Ngay đầu cầu Thủ Thiêm 2, nhiều người đi xe máy đã leo lề, lấn chiếm lối đi của khách bộ hành. Vào giờ cao điểm buổi sáng, học sinh trường Trưng Vương và Võ Trường Toản đã gặp khó khăn, có lúc bị va quẹt khi đi lại trên tuyến đường này.
Nhiều người dân đã gọi đến đường dây nóng Báo SGGP đề xuất một số giải pháp phân luồng để giảm ùn tắc tại tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ông Nguyễn Mạnh Cường (ở quận 2) góp ý: “Ùn tắc do nhiều phương tiện dồn về là lẽ đương nhiên, tuy vậy, vẫn có giải pháp giảm ùn tắc tại tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Vào giờ cao điểm, cần bố trí CSGT điều hòa lưu thông tại ngã tư Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Treo biển cấm ô tô lưu thông vào các lối rẽ từ đường Nguyễn Hữu Cảnh rẽ sang đường Nguyễn Bỉnh Khiêm; chỉ dành lối rẽ này cho xe máy lưu thông chuyển hướng. Ngành giao thông nên phân luồng tạm thời trong giờ cao điểm sáng - chiều cho các phương tiện ô tô. Buổi sáng, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ cho các phương tiện ô tô lưu thông theo hướng về trung tâm thành phố. Thời gian có thể vài tiếng đồng hồ. Bởi lẽ, vào buổi sáng, các phương tiện dồn về trung tâm thành phố và chỉ ùn tắc ở hướng này, trong khi hướng về cầu Sài Gòn rất vắng phương tiện. Tương tự, buổi chiều cũng vậy”.
Anh Nguyễn Thanh Linh (quận Bình Thạnh) lưu ý: “Với mật độ xây dựng cao ốc đang diễn ra dồn dập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, nếu không có giải pháp khả thi, phân luồng hợp lý, trong một tương lai không xa, tình trạng ùn tắc giao thông tại đây sẽ càng trầm trọng.
3 dãy nhà cao tầng ở dọc bờ sông Sài Gòn, ngay sát cầu Thị Nghè 2 đang hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Dù chủ đầu tư đã mở thêm lối đi vào khu dân cư, như đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nối dài, đường Tôn Đức Thắng, chân cầu Thị Nghè 2.
Nhưng, lối vào ra ở chân cầu Thị Nghè 2 rất bất hợp lý. Khu vực này chỉ có thể cho các phương tiện đi vào theo đúng chiều lưu thông và không được phép đi ra. Bởi lẽ, khi bố trí lối ra cho các phương tiện ở tuyến đường này, sẽ tạo xung đột rất lớn khi đánh vòng xe chuyển hướng lên cầu Thị Nghè 2. Phần lớn các cây cầu khác dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng nên phân luồng theo hướng như vậy.
Hiện nay, vào giờ cao điểm buổi chiều, các nhân viên bảo vệ của khu dân cư cao ốc gần cầu Sài Gòn lại tự tiện ra đường phân luồng giao thông để có lối cho các phương tiện của cư dân và khách vãng lai, nhân viên văn phòng… từ cao ốc đi ra đường Nguyễn Hửu Cảnh.
Các nhân viên bảo vệ phân luồng đẩy các phương tiện xe 2 bánh lưu thông ra làn đường dành cho ô tô, trong khi tại khu vực này ô tô lưu thông với tốc độ khá cao. Ai sẽ chịu trách nhiệm khi tai nạn giao thông xảy ra? Việc này cần chấn chỉnh ngay, đừng để quá muộn!”