

Tuần qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính đã dẫn đầu đoàn công tác vào làm việc với Sở QHKT TPHCM nhằm giúp đỡ, tháo gỡ những khó khăn của thành phố trong quá trình xây dựng quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025 (QHCTP 2025).
Trong buổi làm việc này, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị, Bộ Xây dựng (ảnh) đã có nhiều ý kiến rất thú vị về phần ngầm của đô thị. Theo ông, việc kết hợp giữa phần trên và phần dưới mặt đất là hết sức quan trọng để đảm bảo cho đô thị phát triển bền vững. Chúng tôi xin trích đăng lại ý kiến của ông.
Phát triển công trình ngầm: xu hướng, nhu cầu tất yếu
Phát triển hệ thống công trình ngầm là xu hướng và cũng là nhu cầu tất yếu của mọi đô thị lớn trên thế giới. Với TPHCM, việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm (Metro), bãi đậu xe ngầm và một số các công trình xây dựng nhà cao tầng có xây dựng phần ngầm đã, đang và sẽ được thực hiện.
Đây là vấn đề mà chính quyền thành phố và các nhà quản lý về quy hoạch, quản lý về xây dựng cần phải quan tâm. Sau khi nghiên cứu Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM 2025 mà Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt, tôi thấy rằng khi xây dựng tờ trình, một số vấn đề về quy hoạch xây dựng ngầm chưa được TPHCM đề cập một cách rõ nét, nổi bật.
Bộ Xây dựng đã điều chỉnh và Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung cũng đề cập đến việc trong thời gian tới, khi TPHCM xây dựng QHCTP 2025 phải có quy hoạch hệ thống công trình ngầm trong đô thị.
Theo văn bản này, TPHCM phải làm rõ các điểm như: quy hoạch hệ thống tuyến tàu điện ngầm, quy hoạch các công trình ngầm trong đô thị và những khu vực cụ thể mà TPHCM sẽ phân vùng để quản lý nhằm xây dựng các công trình quan trọng ngầm dưới lòng thành phố… Tôi cho rằng, QHCTP 2025 cần phải làm rõ những điều này để tránh việc sau này khi thành phố đầu tư xây dựng hệ thống công trình ngầm bị vướng, bị chồng chéo lên nhau.
Xác định cụ thể hệ thống công trình giao thông ngầm
Vậy để TPHCM làm được những điều mà Thủ tướng Chính phủ mong muốn trong điều chỉnh QHCTP 2025, đặc biệt là với các công trình ngầm thì cần làm những gì? Theo tôi, khi xây dựng, điều chỉnh QHCTP 2025, ngoài việc tổ chức không gian quy hoạch, hệ thống giao thông, các hệ thống công trình công cộng… điều phải làm là quy hoạch hệ thống giao thông và các công trình ngầm.
Với giao thông ngầm, QHCTP 2025 phải định rõ tuyến, hướng tuyến, vị trí các nhà ga… có liên quan đến việc xây dựng các công trình giao thông ngầm đó và hệ thống đấu nối các công trình giao thông ngầm với hệ thống giao thông trên mặt đất.
Ở các nước tiên tiến, khu vực nhà ga xe điện ngầm thường được kết hợp với trung tâm thương mại, nhà hàng, các công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí… Ở đó, nhà ga chính là một tổ hợp các công trình văn hóa công cộng.
Như vậy, nên chăng khi quy hoạch ngầm, TPHCM đặt nhà ga Metro trong một mối liên quan chung mà nó phục vụ như những công trình kiến trúc văn hóa dưới mặt đất. Các nhà ga của Metro trong tương lai là những công trình ngầm đa năng.
Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả hệ thống giao thông ngầm, TPHCM cũng cần quan tâm đến việc phân bố hệ thống giao thông công cộng trên mặt đất để đấu nối với giao thông ngầm.
Từng bước hạ ngầm hệ thống đường dây điện

Thi công miệng hầm Thủ Thiêm.
Ảnh: THÀNH TÂM
Với các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, TPHCM và các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng... đang chịu cảnh hệ thống dây điện chăng dày như mạng nhện.
Tôi cho rằng, trong QHCTP 2025, TPHCM nên đặt ra mục tiêu từng bước hạ ngầm các đường dây, đường ống xuống dưới mặt đất.
Kinh nghiệm có thể nhìn thấy ngay đó là ở TP Vũng Tàu trong cơn bão số 9 vừa qua. Khi bão đổ bộ vào, tại các tuyến phố được xây dựng mới mà hệ thống đường dây điện được đặt ngầm thì vẫn có điện trong khi toàn bộ các khu vực khác bị tê liệt do bão đánh đổ cột, đánh đứt dây điện trên mặt đất.
Tình hình này không chỉ ở Vũng Tàu mà còn xảy ra nhiều nơi khác. Vì thế, trong QHCTP 2025, cần nêu rõ với những khu đô thị mới, tuyến đường xây dựng mới, tuyến đường cải tạo lớn… yêu cầu bắt buộc là phải xây dựng hệ thống đường dây, đường ống xuống các hào và tuy-nel kỹ thuật.
Điều này cũng được đề cập trong dự thảo “Nghị định xây dựng ngầm đô thị” mà Bộ Xây dựng mới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với các đô thị cũ và cải tạo, chính quyền đô thị phải có kế hoạch từng bước hạ ngầm dần các công trình điện, bưu điện và đường ống xuống để đảm bảo cho đô thị thành phố có một cảnh quan đẹp trong tương lai.
Chuyện bãi đậu xe ngầm...
Một trong những vấn đề đặt ra với TPHCM hiện nay là xây dựng nhanh hệ thống bãi đậu xe ngầm. Nghị định xây dựng ngầm đô thị sắp được ban hành cũng nêu rõ “Nhà nước khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh các công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm và công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm theo các hình thức đầu tư thích hợp”.
Dự thảo Nghị định xây dựng ngầm đô thị cũng nêu rõ, khu vực xây dựng công trình ngầm chỉ được xây dựng trong ranh giới đã được xác định thửa đất. Nếu muốn xây dựng vượt khỏi ranh giới đó phải được sự cho phép của chính quyền thành phố.
Khi chính quyền đô thị muốn cho phép chủ đầu tư xây dựng vượt “ranh giới ngầm” phải căn cứ vào một số điểm sau: Thứ nhất, chủ đầu tư phải cam kết khi mình xây dựng công trình ngầm đó sẽ không ảnh hưởng đến an toàn của những công trình kế cận; Thứ hai, chủ đầu tư phải thực hiện việc đấu nối về không gian giữa công trình dưới lòng đất với các công trình liên quan và hệ thống giao thông phía trên, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ... và đảm bảo khớp nối kỹ thuật, khớp nối không gian và cảnh quan kiến trúc đô thị.
VIỆT HÙNG ghi