Kết thúc năm học 2009 - 2010, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ có nhiều học sinh (HS) được khen thưởng đặc biệt. Đặc biệt không phải bởi giá trị mà chính ở ý nghĩa của phần thưởng dành cho những HS vốn có học lực yếu kém vượt lên chính mình.
Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ còn non trẻ, được “nâng cấp” từ cơ sở của trường THCS nằm heo hút trên một địa bàn nghèo của quận 4. Người theo dõi lĩnh vực giáo dục thường xuyên đều nhận ra tỷ lệ HS giỏi của ngôi trường tốp dưới này chỉ lèo tèo đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, tổng kết năm học nào cũng gần cả trăm em HS được khen thưởng, trong đó có cả HS chỉ có học lực trung bình.
Không phải bệnh thành tích mà đó là cách khuyến khích HS cố gắng học tập đầy tính nhân văn. Lâu nay, người ta chỉ chú ý khen thưởng cho những HS xuất sắc, có khi bằng những phần thưởng thật lớn để ghi nhận xứng đáng nỗ lực học giỏi của các em. Điều đó rất đáng trân trọng, nhưng nó cũng giống như việc ngưỡng mộ sức mạnh của người khổng lồ.
Hiếm ai nghĩ người tí hon - những HS yếu kém cũng cần được động viên, khen thưởng khi có sự cố gắng. HS kém cố gắng nắm được căn bản, HS yếu học đêm ngày để lên hàng trung bình – khá, đó là nỗ lực đáng trân trọng. Một sự vươn lên có khi còn khó khăn hơn HS giỏi!
“Mỗi em đều có tố chất và lực học không giống nhau. Người làm thầy phải biết điểm mạnh, yếu của từng em mà khuyến khích. Chúng ta không nên “ép” em này phải được như em kia, đạt thành tích tốt trong khi sức không tới. Những em chưa thực sự thông minh, xuất sắc chỉ cần cố gắng vượt lên chính mình, dù là đạt loại trung bình cũng đáng khen thưởng” - thầy hiệu trưởng, người nghĩ ra cách làm này chia sẻ.
Phần thưởng không phải để khen cho thành tích học tập mà dành cho quá trình nỗ lực trong học tập của các em. Chỉ vài cuốn tập, nhưng nó thật sự hiệu quả để khuyến khích sự cố gắng ở mỗi HS. Năm học 2008 - 2009, tỷ lệ HS lên lớp thẳng ở khối cấp 3 của trường rất thấp, chỉ dừng lại ở 63% HS, cấp 2 thì khá hơn với 79%. Sang năm học sau, những con số này đều được cải thiện. Rồi tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở ngôi trường chỉ 6 năm tuổi này “ì ạch” thay đổi từng năm từ 83% lên 83,3% rồi đạt trên 96% HS lớp 12 đỗ tốt nghiệp vào năm học rồi là không dễ dàng.
Có thể, những con số này quá “thường” so với các trường khác nhưng đó là minh chứng cho sự vươn lên của chính những HS có sức học bình thường.
Tiêu Hà