Mặc dù lệnh cấm rất nghiêm nhưng cứ đến dịp tết, như “đến hẹn lại lên”, tình trạng buôn bán pháo nổ trái phép lại trở nên nóng bỏng ở cửa ngõ biên giới phía Bắc. Hàng loạt vụ và đối tượng đã bị bắt giữ, nhưng có lẽ việc kiểm soát là không xuể…
Đến hẹn lại buôn pháo lậu
Từ cách đây vài tuần, tại Hà Nội đã có những nơi xuất hiện tình trạng học sinh đốt pháo nổ, pháo tép… Các chủ bán lẻ đã tranh thủ tìm đến cổng các trường học để bán pháo cho học sinh vào dịp giáp tết. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, loại pháo bán ở cổng trường chỉ là pháo rẻ tiền dành cho trẻ em. Còn trên thị trường hiện nay đang tồn tại những loại pháo rất nguy hiểm. Những năm trước, pháo nhập lậu trái phép tràn vào dịp giáp tết chủ yếu là pháo phụt, pháo giấy, pháo que, pháo sáng. Giờ đây, các đầu nậu đã sẵn sàng “ôm” vào nội địa cả những loại “độc” hơn như pháo cối, pháo bánh (loại dài 70cm - 1,2m), pháo tỏi… đặc biệt là những loại “kỳ dị” để chiều theo thị hiếu của người sử dụng như pháo lựu đạn (trông như quả lựu đạn, có thể đốt và ném đi xa), pháo dàn (gồm loại 12 và 24 quả/hộp, khi đốt phát ra tiếng nổ như bom).
Nguyên nhân có lẽ cũng dễ hiểu vì do những năm trước, mặc dù có lệnh cấm buôn bán, đốt pháo nhưng đêm giao thừa, pháo nổ vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Do đó năm nay, các đối tượng vẫn giữ kế hoạch đi buôn bán pháo. Ngay từ tháng 8-2013, lợi dụng chiến dịch phòng chống, ngặn chặn pháo nổ tạm lắng, các đầu nậu và cửu vạn đã tổ chức đưa pháo trái phép vào nội địa. Tuy nhiên, pháo lậu “nóng” nhất là khoảng 1 - 2 tháng nay để chuẩn bị đem đi tiêu thụ lén lút tại các vùng quê cho một số người dân ít hiểu luật mua đốt trong dịp tết. Nơi thường xuyên tàng trữ và vận chuyển về xuôi vẫn là các địa bàn biên giới gồm: Móng Cái (Quảng Ninh), Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma, Tràng Định (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), TP Lào Cai, Bản Vược, Bát Xát (Lào Cai)…
Do giáp tết, tại khu vực cửa khẩu, lực lượng “cửu vạn” kéo về làm ăn, nhất là những đối tượng được hưởng “chính sách 254” (mua bán biên mậu) sẵn sàng “ôm” theo 1-2 bánh pháo nhỏ lẻ qua biên giới. Bởi mang vác ít nên có bị bắt cũng chỉ bị xử phạt hành chính, còn trót lọt thì có thể kiếm được vài chục ngàn đến hơn 100.000 đồng/bánh pháo. Từ khoảng tháng 12 âm lịch, các chợ bên Trung Quốc đều trưng ra bán khá nhiều pháo, màu sắc rực rỡ. Chỉ cần có cuốn sổ thông hành, từ TP Lào Cai có thể sang chợ Hà Khẩu (Trung Quốc) cũng như từ Tân Thanh (Lạng Sơn) sang Pò Chài (Bằng Tường - Trung Quốc) khá dễ dàng. Một bánh pháo dây (dài khoảng 1,2m) bán tại chợ Hà Khẩu là 260.000 đồng nhưng khi đem về các tỉnh đồng bằng sông Hồng có thể bán giá 400.000 đồng. Khi càng giáp tết giá càng lên cao, có thời điểm một hộp pháo dàn 24 quả là 700.000 đồng. Vì thế, tại các địa phương: Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương… đã có những “đầu nậu” sẵn sàng đứng ra thuê “cửu vạn” xách lẻ pháo về rồi thu gom lại, vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ. Thời gian qua, đã có những vụ, pháo được đưa lên xe khách, chở vào tận Quảng Ngãi theo đường Hồ Chí Minh mới bị cơ quan chức năng phát hiện.
Gian nan ngăn chặn
Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, theo ông Đỗ Đức Hưu, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan số 2 (Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh), do pháo đều đổ vào sâu trong nội địa qua đường biển (các tàu chở hàng, chở than) mà địa bàn lại rộng nên càng khó kiểm soát hơn. Anh Nông Việt Trung, Tổ trưởng Tổ Kiểm soát và phòng chống buôn lậu thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam (Đồng Đăng - Lạng Sơn), cho biết: “Khoảng 1 tháng nay, anh em chúng tôi cùng với bộ đội biên phòng cửa khẩu phải phối hợp túc trực, canh phòng 24/24 giờ tại các trạm chốt, lán trại dã chiến dựng sát cột mốc, dọc theo hàng chục đường mòn lối mở để chặn hàng lậu”.
Dẫn chúng tôi đi kiểm tra thực địa, anh Nông Việt Trung nói: “Mấy năm trước cứ tung quân đi đuổi theo hàng lậu, thu được nhiều hàng nhưng cũng chẳng làm đối tượng sợ. Năm nay chúng tôi chuyển sang giải pháp hiệu quả hơn là phòng chống. Tại tất cả các điểm nóng như: Gốc Nhãn, Hang Dơi, mốc 386… đều được rào dây thép gai kín và còn xây cả tường bêtông cao 2,5m - 3m nên hàng lậu, pháo lậu không thể qua được nữa”.
Tuy nhiên, dân buôn hàng lậu, pháo nổ vẫn đang tìm mọi thủ đoạn để đưa hàng cấm vào nội địa. Theo ông Trần Xuân Thượng, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm soát liên ngành Dốc Quýt (Lạng Sơn), chỉ trong tháng 12-2013 vừa qua, riêng lực lượng của trạm đã bắt được 9 vụ vận chuyển pháo nổ. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiêm Trưởng ban chỉ đạo 127 về chống buôn lậu cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ đã triển khai kế hoạch ngăn chặn triệt để pháo lậu và các mặt hàng cấm như ma túy, tiền giả tràn vào nội địa trong dịp giáp tết và Tết Giáp Ngọ.
VĂN PHÚC HẬU
Hà Tĩnh: Tàng trữ pháo nổ và súng đồ chơi bạo lực
(SGGP).- Ngày 13-1, Công an huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vừa phát hiện, bắt giữ quả tang Chu Thị Hoa Linh (37 tuổi, trú tại thôn Bắc Mới, xã Cương Gián) về hành vi tàng trữ, buôn bán trái phép các loại pháo nổ và súng đồ chơi trẻ em nguy hiểm.
Khám xét tại nhà, công an thu giữ 27 dây pháo tép trọng lượng 4,7kg; 600 cây pháo hoa (48kg), 19 quả pháo US, gần 200 quả pháo bi, 121 khẩu súng đồ chơi trẻ em nguy hiểm có xuất xứ từ Trung Quốc cùng 3kg đạn bi nhựa. Linh khai, toàn bộ pháo và súng đạn xuất xứ từ Trung Quốc được mua của 1 thương lái ở cảng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, để bán trong dịp Tết Nguyên đán 2014.
Trước đó, Phòng CSĐT tội phạm quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng bắt giữ quả tang Phan Trọng Dũng (28 tuổi, trú tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đang vận chuyển trái phép 14kg pháo trên xe taxi tại quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh. Số pháo này đều xuất xứ từ Trung Quốc do Dũng và một người tên Nhâm (hiện đã bỏ trốn) mua ở huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) đưa vào huyện Kỳ Anh tiêu thụ.
DƯƠNG QUANG