Pháp luật nhìn nhận thế nào về hôn nhân đồng giới?

Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan hữu quan tiến hành soạn thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Dự thảo luật lần này tập trung sửa đổi 64 điều và bổ sung mới 53 điều so với luật hiện hành. Trong đó, liên quan đến vấn đề hôn nhân đồng giới, dự thảo luật có bước tiến đáng kể về mặt nhận thức.

Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan hữu quan tiến hành soạn thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Dự thảo luật lần này tập trung sửa đổi 64 điều và bổ sung mới 53 điều so với luật hiện hành. Trong đó, liên quan đến vấn đề hôn nhân đồng giới, dự thảo luật có bước tiến đáng kể về mặt nhận thức.

Dự thảo luật đã bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới tại khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Thay vào đó, Điều 17 Dự thảo luật quy định: “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Dự thảo cũng đã thừa nhận việc chung sống như vợ chồng giữa hai người cùng giới bằng việc bổ sung vào khoản 4 Điều 8 khái niệm về “chung sống như vợ chồng là việc hai người khác giới tính hoặc cùng giới tính thỏa thuận tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng, có tổ chức lễ cưới hoặc được gia đình một hoặc hai bên chấp nhận”. Như vậy, Dự thảo luật không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, song lại không thừa nhận hình thức hôn nhân này. Từ quy định cấm trong pháp luật hiện hành đến không thừa nhận trong dự thảo sửa đổi là cả bước tiến về nhận thức. Cấm kết hôn đồng giới tức là một cặp đồng tính xin đăng ký kết hôn có thể bị phạt, còn không thừa nhận có nghĩa là nhà nước không can thiệp vào việc họ sống chung, họ chỉ bị từ chối khi xin đăng ký kết hôn chứ không bị phạt. Luật không cấm nên những người đồng tính có thể tổ chức đám cưới ở gia đình mà không bị ngăn cản bởi bất cứ tổ chức pháp lý nào. Họ cũng được chung sống với nhau như vợ chồng và được pháp luật bảo hộ như những cặp đôi dị tính chung sống như vợ chồng. Pháp luật không thừa nhận vì hành vi đó chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, đặc biệt là văn hóa, thuần phong mỹ tục của nước ta.

Việc bãi bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới là phù hợp với thực tế đời sống xã hội và rất cần thiết. Bởi lẽ, so với những công dân khác (tức là những người dị tính), những người đồng tính cũng có quyền bình đẳng và được pháp luật bảo vệ. Những quyền cơ bản của con người cũng cần được đảm bảo. Quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ vô tình tạo ra những định kiến xã hội đối với người đồng tính. Vì mọi người sẽ không nhìn nhận và tôn trọng người đồng tính với những kiến thức khoa học cần thiết, mà họ chỉ cần biết những gì pháp luật cấm là xấu. Phản ứng kỳ thị nảy sinh một cách rất tự nhiên nhưng lại hoàn toàn vô lý. Việc bỏ quy định cấm người cùng giới kết hôn sẽ thể hiện tính nhân văn của pháp luật, đảm bảo quyền con người, góp phần giảm bớt sự kỳ thị, đảm bảo những quyền lợi của người đồng tính phát sinh liên quan đến quan hệ tài sản, quan hệ thừa kế.

Trước mắt, các nhà làm luật cần lựa chọn ngôn từ sao cho vừa thể hiện được ý chí của luật pháp, đồng thời tránh gây nhập nhằng, khó hiểu. Văn bản pháp luật cần đảm bảo tính thống nhất, đã không cấm thì phải cho phép, chứ không thể vừa không cấm vừa không công nhận như Dự thảo luật vừa đưa ra. Hôn nhân đồng giới là một thực tế đang diễn ra, dù thế nào đi nữa nhà nước cũng không thể làm ngơ, đặt nó ngoài vòng pháp luật. Song thay đổi cách nhìn của xã hội không phải là chuyện một sớm một chiều, luật cần phải có lộ trình thay đổi từng bước giống như các nước trên thế giới đã thực hiện.

LS NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục