Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm (VCGM) dự kiến chính thức khởi động vào đầu tháng 7 tới. Dù công tác chuẩn bị cho việc vận hành VCGM trải qua quãng thời gian khá dài nhưng đến nay vẫn còn khá nhiều điểm bất cập.
Khởi động lúng túng
Theo lộ trình, lẽ ra VCGM phải chính thức đưa vào vận hành từ tháng 7-2011 nhưng sau 2 tháng thử nghiệm đầu năm 2011 chưa ổn, phải dời đến ngày 1-1-2012. Tuy nhiên, dù đã kéo giãn thời gian để khắc phục các công đoạn còn tồn tại nhưng sau khi tổng kết đánh giá quá trình triển khai, các cơ quan hữu quan một lần nữa phải quyết định dời thời điểm vận hành VCGM. Nguyên nhân, toàn bộ hệ thống hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin phục vụ VCGM chưa đảm bảo, trong khi đó một số đơn vị phát điện chưa hoàn thành cài đặt và tích hợp hệ thống thông tin; một số nội dung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành chưa được kiểm chứng; việc chuyển đổi hợp đồng mua bán điện cũng còn nhiều vướng mắc.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, kết quả vận hành thử nghiệm VCGM thời gian qua cho thấy, các quy định, quy phạm pháp luật và kinh nghiệm vận hành thị trường điện đã cho kết quả ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, các kết quả này chưa thực sự phản ánh đúng hành vi của thị trường điện do chưa thực hiện thanh toán. Cụ thể, những quy định của thị trường được các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Hầu hết đơn vị phát điện đã được tập dượt và quen dần với các khái niệm, các quy định của thị trường, các phần mềm chào giá, thông tin trên thị trường, chất lượng chào giá của các đơn vị dần được cải thiện. Giá điện năng thị trường được thiết lập qua cơ chế cạnh tranh và phản ánh đúng quan hệ cung cầu. Giá thị trường cao vào các giờ nhu cầu cấp phụ tải cao và thấp vào các giờ thấp điểm.
Chưa tạo môi trường cạnh tranh
Việc đưa vào vận hành VCGM nhằm tạo ra “sân chơi” lành mạnh giữa các đơn vị phát điện, khuyến khích tiết kiệm chi phí cho khâu sản xuất, truyền tải, phân phối để có được giá điện hợp lý, minh bạch tới người tiêu dùng. Nhưng liệu môi trường vận hành VCGM có đảm bảo tính công khai, minh bạch, thật sự đem lại hiệu quả như mục tiêu đặt ra?
Tính đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang quản lý trên 65% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Toàn bộ khâu truyền tải, điều độ và phân phối đều do các đơn vị hạch toán phụ thuộc, hạch toán độc lập trực thuộc EVN nắm giữ. Do đó, nhiều ý kiến lo ngại cho rằng, chắc chắn EVN sẽ ưu tiên số một cho những nguồn điện của mình với giá cao nhất, còn người dân chưa được quyền lựa chọn sẽ mua điện của ai. Chưa kể, khác với các mặt hàng khác, khi tham gia thị trường, các doanh nghiệp sẽ phải cố gắng giảm giá để nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, với thị trường điện, do giá điện hiện nay chưa phù hợp, chưa đảm bảo tích lũy và tái sản xuất cho doanh nghiệp, chưa khuyến khích, thu hút đầu tư, trong khi công suất nguồn chưa đủ. Vì vậy, EVN phải tận mua tất cả các nguồn dù giá thấp hay cao.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nhìn vào thực tế hiện nay chưa thể có thị trường điện cạnh tranh thực sự khi nhà nước vẫn nắm hầu hết các nhà máy sản xuất điện, nguồn điện, quyền phân phối, quyền định giá… Vì vậy, nếu không giải quyết tốt việc tách bạch giữa sản xuất điện và phân phối điện thì chắc chắn sẽ chưa thể có một thị trường điện cạnh tranh hoạt động hoàn hảo.
Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm dự kiến sẽ được thực hiện theo các giai đoạn: Giai đoạn 1 - Chào giá, xếp lịch và tính toán thanh toán được thực hiện theo đúng các quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh nhưng việc vận hành điều độ và thanh toán thực tế được áp dụng như hiện tại. Giai đoạn 2 - Chào giá, lập lịch và huy động thực tế theo bản chào và tính toán thanh toán theo thị trường nhưng không thanh toán theo giá thị trường mà toàn bộ sản lượng điện năng được thanh toán theo giá hợp đồng. Giai đoạn 3 - Chào giá, lập lịch và huy động thực tế theo bản chào, tính toán thanh toán theo thị trường. Thị trường điện Việt Nam sẽ phát triển theo 3 cấp độ, trong đó cấp độ 1 là thị trường phát điện cạnh tranh (giai đoạn 2005 - 2014), cấp độ 2 là thị trường bán buôn điện cạnh tranh (giai đoạn 2015 - 2022) và cấp độ 3 là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (giai đoạn sau 2022). |
Lạc Phong