(SGGPO).- Ông Nguyễn Xuân Lý, Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận vừa cho biết: Sở VH-TT-DL Bình Thuận vừa có báo cáo gửi Bộ VH-TT-DL để có hướng xử lý và mời Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học (Viện phát triển bền vững vùng Nam bộ) khảo sát, nghiên cứu phục vụ việc thăm dò, khai quật hai bức tường gạch cổ dưới chân nhóm tháp Po Dam (Pô Tằm) ở xã Phú Lạc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Hai bức tường gạch nằm ở hướng Đông, đoạn giữa nhóm tháp Bắc và nhóm tháp Nam. Có tọa độ X = 0520796; Y = 1245940; ở độ cao 37m so với mực nước biển trung bình. Kích thước cao 190cm; tường dày 65cm; khoảng cách trong lòng 246cm. Trong lòng có nhiều lớp gạch được đặt bằng phẳng, phía dưới đế tường gạch đặt nhiều viên đá tảng lớn để chống sụt lở.
Theo ông Nguyễn Xuân Lý, qua khảo sát và nghiên cứu bước đầu cho thấy gạch xây có cùng màu sắc, kích thước, chất kết dính và thế xây như ở trên thân các tháp. Điều này chứng tỏ hai bức tường gạch bị vùi lấp từ lâu đời, bởi trong nghiên cứu của Heri-Parmentier cuối thế kỷ XIX không thấy nhắc đến việc này.
Như vậy, có thể hai bức tường gạch có cùng niên đại với các tháp trong nhóm tức là từ thế kỷ VIII. Còn công năng của hai bức tường gạch để làm gì thì chưa có câu trả lời cụ thể khi việc khảo cổ còn tiếp tục.
Theo một số nhận định, rất có thể đây là cửa chính hướng Đông dẫn vào nhóm tháp và cũng có thể là kiến trúc của tháp cổng dạng như tháp cổng dẫn lối vào khu tháp như ở tháp Po Klong Garai ở Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận).
Được biết, trong quá trình thi công xây dựng bờ tường chắn để giữ chân cho các tháp trong nhóm Po Dam, công nhân đã phát hiện hai bức tường gạch bị vùi lấp dưới lòng đất. Bảo tàng Bình Thuận đã cho ngưng thi công để phục vụ việc khảo sát khảo cổ tại nơi phát hiện.
Nguyên Vũ