(SGGP).- Ngày 8-6, tại diễn đàn kinh tế biển Việt Nam lần thứ 3 năm 2012 tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong khuôn khổ Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5-6 và Ngày Đại dương thế giới 8-6, các đại biểu đưa ra bức tranh toàn cảnh về đặc thù, hoạt động kinh tế biển của Việt Nam và tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế biển theo Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phát triển một nền công nghệ biển hiện đại, hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế, có phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và công cụ quy hoạch không gian biển. Có đại biểu đề xuất, Việt Nam cần hoạch định chính sách phát triển kinh tế biển theo đặc thù của các vùng biển và ven biển theo không gian. Đồng thời định hướng phát triển kinh tế biển theo tiềm năng và thế mạnh của từng vùng.
Đại diện Bộ KH-ĐT cho biết, những năm tới Việt Nam vẫn phải dựa vào thu hút đầu tư nước ngoài vì nhu cầu vốn rất lớn, ước khoảng hàng trăm tỷ USD. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư nước ngoài đăng ký thực hiện vào các địa phương có biển thời gian qua chỉ vào khoảng gần 30 tỷ USD. Để nguồn lực đầu tư quan trọng này sớm phát huy hiệu quả, cần chú trọng vào 3 phương diện: không gian biển, bờ biển và dịch vụ hậu cần.
Tối cùng ngày, tại Hội trường Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Bộ TN-MT, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật về biển đảo. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của biển và hải đảo. Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài, đẹp, có nhiều tài nguyên phong phú và đa dạng với trữ lượng khá, nên phát triển được nguồn lợi kinh tế biển quan trọng như đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, cảng biển, vận tải biển, đóng tàu, du lịch, thông tin liên lạc…
Trong nhiều năm qua, các nguồn lợi từ biển đã mang lại và đóng góp to lớn cho quá trình phát triển đất nước. Hiện nay, các ngành kinh tế biển và liên quan đã đóng góp 47% - 48% GDP, trong đó khai thác dầu khí, hải sản, vận tải biển, dịch vụ cảng biển đóng góp 22% GDP. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đặt mục tiêu đưa nước ta mạnh về biển và làm giàu từ biển, phấn đấu đóng góp từ 53% đến 55% GDP và từ 55% đến 60% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống người dân, nhất là người dân vùng ven biển.
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu 6 giải pháp cơ bản của Chính phủ trong thời gian tới.
Trong đó, tiếp tục khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa theo luật pháp quốc tế về biển.
Chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế; đồng thời kiên quyết đấu tranh trước các hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển, hải đảo. Tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế và chính sách pháp luật về lĩnh vực biển đảo, quản lý tài nguyên môi trường biển, hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ và quản lý chặt chẽ, giữ gìn và khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh, hợp tác quốc tế, bảo vệ môi trường; huy động các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ biển và hải đảo, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước, tăng tỷ trọng kinh tế biển và từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh lên từ biển và giàu từ biển.
Nhân dịp này, Bộ TN-MT công bố quyết định công nhận Giải thưởng “Biển xanh quê hương 2012” và tặng bằng khen cho 9 tập thể, 8 cá nhân có nhiều thành tích phát triển kinh tế biển đảo, bảo vệ chủ quyền, quản lý khoa học công nghệ về điều tra cơ bản biển và hải đảo Việt Nam.
H.Nam