Phát huy tiềm năng làng nghề gắn với du lịch

Phát huy tiềm năng làng nghề gắn với du lịch

Mỗi năm thu hút trên 5 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, có thể nói rằng, An Giang hiện là tỉnh hấp dẫn du lịch hàng đầu khu vực ĐBSCL. Để giữ chân du khách và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, tỉnh An Giang đã chủ động triển khai hàng loạt các dự án làng nghề gắn với du lịch. Bước đầu, các dự án này đã phát huy hiệu quả.

Lễ Khai mạc Hội chợ - triển lãm Thương mại và làng nghề An Giang (ảnh: Hạnh Châu)

Lễ Khai mạc Hội chợ - triển lãm Thương mại và làng nghề An Giang (ảnh: Hạnh Châu)

Đến nay, An Giang đã hình thành được 34 làng nghề, trong đó có 24 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Nhiều làng nghề truyền thống ở An Giang đã tồn tại trên 50 năm và nổi tiếng gần xa như: nghề rèn Phú Mỹ (huyện Phú Tân), nghề dệt lãnh Mỹ A (thị xã Tân Châu), làng dệt thổ cẩm Châu Giang (trên 100 năm), làng nghề mộc Chợ Thủ (huyện Chợ Mới) xuất hiện từ giữa thế kỷ 18... Vài năm trở lại đây, tỉnh đã có thêm nhiều làng nghề mới, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như: nghề dệt chiếu Uzu, mỹ nghệ tre bông, tranh lá thốt nốt, thắt bính lục bình… cũng được du khách rất ưa chuộng.

Du khách thích thú khi được tham gia cùng làng nghề

Du khách thích thú khi được tham gia cùng làng nghề

Ông Nguyễn Văn Lên, Giám đốc Sở VHTT-DL An Giang, cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch như: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp... gắn kết với phát triển làng nghề truyền thống. Trước mắt, An Giang sẽ hình thành 6 điểm gắn kết gồm: Tuyến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng xã Mỹ Hòa Hưng với làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh (TP.Long Xuyên); Làng nhang Bình Đức (Long Xuyên), Làng nghề dệt thổ cẩm Châu Giang (TX.Tân Châu) gắn với Trung tâm du lịch cộng đồng Châu Phong; Làng dệt thổ cẩm Văn Giáo, Làng nghề sản xuất đường thốt nốt An Phú (huyện Tịnh Biên) gắn với mô hình du lịch nông nghiệp; Làng nghề mộc Chợ Thủ gắn với mô hình du lịch sinh thái Cù lao Giêng. Gần đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững làng nghề tiểu thủ công nghiệp trong thời kỳ kinh tế khó khăn” giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và làng nghề thủ công mỹ nghệ về cách thức thâm nhập thị trường trong và ngoài nước; cùng với UBND huyện Chợ Mới tổ chức “Hội chợ Triển lãm Thương mại và Làng nghề Chợ Mới – An Giang năm 2012”; ngoài ra hỗ trợ cho các làng nghề tham gia hàng loạt hội chợ triển lãm Hàng Việt Nam chất lượng cao, hội chợ khu vực ĐBSCL, TPHCM, hội chợ quốc tế tại Campuchia và Lào… nhằm trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch làng nghề với du khách. Bên cạnh đó, các sản phẩm làng nghề của tỉnh còn được đưa vào quảng bá, giới thiệu trên 70 nhà hàng, khách sạn lớn trong và ngoài tỉnh thông qua các hình thức như: quà lưu niệm, trang trí khách sạn, làm khăn trải giường, túi đựng chìa khóa… Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thế Năng, từ gắn kết du lịch với hoạt động làng nghề tiểu thủ công nghiệp, An Giang đã giải quyết việc làm ổn định cho trên 33.000 lao động nông thôn có thu nhập bình quân 1,3 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, tỉnh An Giang đã triển khai 11 dự án làng nghề gắn với du lịch nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Tuy vậy, trước nay các làng nghề thường giới thiệu sản phẩm đến du khách ở góc độ riêng lẻ, theo từng địa phương. Chẳng hạn, làng dệt Châu Giang hội tụ những sản phẩm dệt tại Hợp tác xã Châu Giang và Trung tâm Thông tin Du lịch cộng đồng Châu Phong, còn làng mắm Châu Đốc thì tập trung đưa sản phẩm vào các chợ trung tâm Châu Đốc, Tịnh Biên. Đôi lúc, một số làng nghề cũng tập trung cho các hợp đồng xuất hàng đi ngoài tỉnh nhưng thông qua giao dịch, ủy thác, không trực tiếp khách hàng. Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Lên cho biết, tỉnh đang nghiên cứu mô hình “làng nghề thu nhỏ” để tạo ấn tượng tốt với du khách. Theo đó, với những ngành nghề như: dệt, đan đát, nấu đường thốt nốt, vẽ tranh, thêu, làm sản phẩm mỹ nghệ từ hoa cỏ… có thể đưa công đoạn cuối vào nơi trưng bày. Tại đây, các nghệ nhân sẽ vừa trình diễn tay nghề, vừa tạo ra sản phẩm bán cho du khách. Điển hình như nghệ nhân dệt thổ cẩm có thể vừa dệt vải vừa may áo thổ cẩm tại chỗ theo yêu cầu của khách. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể tham gia những công đoạn chế biến thực phẩm như: nấu bánh tét từ nguyên liệu nếp Phú Tân, chế biến các món lẩu mắm, bún cá Châu Đốc, đổ đường thốt nốt vô khuôn… Có như vậy mới thật sự tạo hứng khởi, niềm vui cho du khách.

Tỉnh An Giang đã có các dự án bảo tồn và phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp như: đan đát, đan lục bình, đan cần xé, dệt thổ cẩm, quết bánh phồng, nắn cà ràng… Trong đó, giai đoạn I (2008-2010) đã triển khai với 43 dự án, tổng vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng, gồm 23 dự án bảo tồn và phát triển, 11 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch và 9 dự án phát triển làng nghề mới. Trong giai đoạn II (2011-2020), có 7 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 4,3 tỷ đồng sẽ được triển khai. Trong đó, có 1 dự án bảo tồn, 4 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch và 2 dự án phát triển làng nghề mới. Hiện tại, các làng nghề của An Giang đã giải quyết việc làm cho 33.000 lao động nông thôn có nguồn thu nhập ổn định.

Bài, ảnh: Nhất Tâm

Tin cùng chuyên mục