Đến dự hội thảo có sự có mặt của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa và các nhà khoa học, chuyên gia trong nước.
Chim yến Hàng (Aerodramus fuciphagus) là loài chim phân bố ở vùng Đông Nam Á, trong đó phân loài Aerodramus fuciphagus Germani là phân loài đặc hữu phân bố chủ yếu tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Trong đó, Khánh Hòa là tỉnh tập trung số lượng quần thể chim yến đảo phát triển ổn định và lớn nhất châu Á. Đây là phân loài chim yến đảo cho tổ có chất lượng cao hàng đầu thế giới.
Trong thời gian qua, với sự hình thành luận điểm khoa học mới về sự phát triển quần thể chim yến Hàng gắn liền với sự hình thành và phát triển hang đảo yến mới. Các bí quyết kỹ thuật nuôi chim yến từ nguồn giống Germani nhân tạo từ các đảo, kỹ thuật nhân đàn di đàn chim yến đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ vực dậy tiềm năng phát triển quần thể chim yến Hàng Germani tại các đảo yến trên toàn quốc.
Từ năm 2004 trở lại đây, ở nước ta chim yến đã vào sinh sống làm tổ trong nhà ở hầu hết các tỉnh từ Hải Phòng đến Cà Mau, Phú Quốc - Kiên Giang và các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên như Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai. Qua kết quả điều tra khảo sát nhà yến năm 2018 của công ty. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên có khoảng 3.424 ngôi nhà yến, tập trung nhiều ở các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận. Chim yến nhà ngày càng phân bố rộng khắp các địa phương trong cả nước, nghề nuôi chim yến đã và đang phát triển ở nước ta. Việc nuôi chim yến trong nhà cũng như hiệu quả của việc dùng yến sào ngày càng được nhiều người biết đến. Lượng nhà nuôi chim yến được xây dựng bùng phát tại các địa phương đã tạo nên một làn sóng mới trong sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong cộng đồng xã hội.
Thực tế tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta là rất lớn. Lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương. Với ý nghĩa đó, Hội thảo “Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là cơ sở khoa học để thực hiện quy hoạch chặt chẽ phát triển nuôi chim yến đảo vì sự phát triển bền vững của ngành nghề yến sào và vì lợi ích chung của địa phương và cộng đồng xã hội.
Yêu cầu đặc biệt quan trọng của hội thảo lần này là bên cạnh việc thu thập thông tin về phát triển bền vững nghề nuôi chim yến Việt Nam, chúng ta cùng xây dựng chiến lượt phát triển nghề nuôi chim yến Việt Nam tới năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Điều tra, nghiên cứu quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên cho loài chim yến có giá trị kinh tế, bảo tồn lưu giữ nguồn gen quí hiếm, giải pháp nguồn thức ăn, môi trường sinh thái nhà yến, quy hoạch các vùng, làng nghề nuôi chim yến tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Để đạt được những mục tiêu đó, trong hội thảo này các nhà khoa học, tập trung nghiên cứu, trao đổi và thảo luận những vấn đề liên quan sau:
+ Đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam;
+ Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sự phát triển quần thể chim yến tại Việt Nam;
+ Giải pháp khoa học và công nghệ phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam;
+ Giải pháp bảo vệ an toàn quần thể chim yến tại Việt Nam;
+ Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, bí quyết kỹ thuật phát triển nghề nuôi chim yến;
+ Định hướng phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam theo định hướng bền vững và hiệu quả cao;
+ Công nghệ chế biến tạo sản phẩm cao cấp từ yến và các sản phẩm giá trị gia tăng từ yến;
+ Giá trị bổ dưỡng và công dụng của yến sào;
+ Sở hữu trí tuệ, thương hiệu yến sào được xây dựng và bảo vệ theo quy định của luật pháp quốc tế.
Hội thảo cũng là dịp để các nhà khoa học chuyên ngành trực tiếp báo cáo các chuyên đề khoa học và các tham luận về phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam. Đặc biệt, trong kỷ yếu Hội thảo lần này có ba bài viết quốc tế từ Malaysia và Thái Lan về tác dụng tổ yến trong ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường, ung thư và cao huyết áp.
Ngoài ra, hội thảo còn cung cấp nhiều tài liệu từ các chuyên đề, tham luận khác trong kỷ yếu của hội thảo để các đại biểu tham dự khảo, nghiên cứu thêm. Từ đó, giúp nhìn nhận rõ hơn về giá trị và tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam.
Triển lãm ảnh nghệ thuật ngành nghề yến sào
Nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Biển 2019, sáng ngày 10-5-2019, tại Công viên Văn hóa Yến sào (đường Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang) Công ty TNHH MTV Yên sào Khánh Hòa tổ chức TRIỂN LÃM ẢNH NGHỆ THUẬT NGÀNH NGHỀ YẾN SÀO. Đây có thể xem là cuộc triển lãm ảnh đầu tiên được các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên chụp khi có điều kiện tiếp xúc và chứng kiến các hoạt động liên quan đến ngành nghề yến sào.
Chúng tôi xin giới thiệu một số ảnh tại buổi triển lãm: