Trước thực trạng giao thông đường bộ thường xuyên bị ùn tắc và kẹt xe do quá tải, việc phát triển giao thông đường thủy được xem là một trong những giải pháp hết sức cần thiết. Chính vì vậy, mới đây, UBND TPHCM đã cho phép nghiên cứu và đề xuất phương án thí điểm các tuyến vận tải hành khách công cộng đường sông (gọi tắt là buýt đường sông). Thế nhưng, đến nay, việc nghiên cứu triển khai thí điểm hệ thống buýt đường sông vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.
Giảm quá tải đường bộ
Để khắc phục tình hình giao thông đô thị đang quá tải như hiện nay, trong quy hoạch tổng thể giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã có kế hoạch triển khai những loại hình giao thông công cộng mới như tuyến buýt nhanh (BRT), đường sắt đô thị (MRT), buýt sông… Theo Quyết định 66 ngày 14-9-2009 của UBND TPHCM, hiện nay trên địa bàn TP, có 112 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài gần 1.000km. Trong đó, tuyến đường thủy nội địa có chiều dài 574,1km. Ngoài ra, mạng lưới đường thủy trong TP được phân bố và đan xen dày đặc trong nhiều khu vực nội thành và ngoại thành. Từ những tuyến sông, kênh này có thể tạo thành những luồng tuyến vận tải đi ra khắp 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc.
Từ thực tế nêu trên, qua khảo sát và nghiên cứu sơ bộ về luồng tuyến, có khả năng thu hút hành khách từ các khu vực dân cư dọc tuyến đến với việc vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Mới đây, Công ty TNHH Thường Nhật đã đề xuất UBND TPHCM thí điểm xây dựng hai tuyến buýt đường sông, chiều dài khoảng 22km, thời gian vận chuyển khoảng 30 phút/chuyến.
Cụ thể, tuyến số 1: Bến Bạch Đằng đi Linh Đông (Thủ Đức) có lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo Sài Gòn qua kênh Thanh Đa đi tiếp ra sông Sài Gòn đến khu vực Linh Đông (Thủ Đức) với chiều dài 11km. Dự kiến bố trí 8 bến lên xuống dọc tuyến và 2 bến đầu, cuối. Tuyến dự kiến sẽ đi vào hoạt động khi cầu Kinh được nâng cấp và cải tạo đảm bảo đủ tĩnh không theo thiết kế quy hoạch.
Tuyến số 2: Bến Bạch Đằng đi quận 8 có lộ trình xuất phát từ bến Bạch Đằng đi theo Sài Gòn qua kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đến khu vực phường 7, quận 8 gần cầu Lò Gốm trên đại lộ Đông Tây. Chiều dài tuyến 11km, dự kiến bố trí 5 bến lên xuống dọc tuyến dừng đón khách và 2 bến đầu cuối. Tuyến dự kiến sẽ đi vào hoạt động khi dự án nạo vét và cải tạo kênh Tàu Hủ được hoàn thiện.
Theo tính toán của Công ty TNHH Thường Nhật, vốn đầu tư hai tuyến buýt đường sông gồm xây dựng bến bãi và mua sắm phương tiện khoảng 100 tỷ đồng. Về giá vé, nếu được nhà nước hỗ trợ một phần, sẽ từ 10.000 - 15.000 đồng/vé.
Khó trình dự án vào cuối năm 2011
Để sớm khai thác và phát triển hệ thống buýt đường sông, vừa qua UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương để các đơn vị liên quan khảo sát, lập dự án xây dựng hai tuyến buýt đường sông trên địa bàn TP trình UBND TPHCM xem xét quyết định trong tháng 12-2011. Đặc biệt, mới đây, UBND TPHCM tiếp tục có văn bản đề nghị Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) phối hợp cùng Công ty TNHH Thường Nhật nghiên cứu, thực hiện dự án xây dựng hai tuyến buýt sông đầu tiên nói trên.
Thế nhưng, theo đại diện Sở GTVT TPHCM và chủ đầu tư, do hiện nay còn một số vướng mắc nên khả năng trong tháng 12 này sẽ chưa trình UBND TPHCM đề án phát triển hai tuyến buýt đường sông nêu trên. Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, cho biết: “Để phát triển mô hình tuyến buýt đường sông, vấn đề cơ sở hạ tầng phải có sự kết nối giữa đường bộ và đường sông, hệ thống bến bãi lên xuống.
Dù theo quy hoạch, vấn đề quỹ đất dọc hai bên bờ sông ở TPHCM còn rất nhiều nhưng trên thực tế số đất này đã bị nhiều hộ dân làm nhà lấn chiếm sông, kênh rạch từ nhiều năm nay nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải tỏa nhà dân, thu hồi đất. Do đó, đến nay, các địa phương vẫn chưa trả lời cụ thể về vị trí đất có thể bàn giao cho chúng tôi thực hiện xây dựng bến bãi phục vụ hai tuyến buýt đường sông”.
Trong khi đó, ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TPHCM), chia sẻ: “Việc phát triển loại hình vận tải buýt đường sông sẽ rút ngắn thời gian đi lại của người dân so với đường bộ. Tuy nhiên, để phát triển loại hình vận tải khá mới này, nhà nước cần có cơ chế tài chính phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư như vấn đề trợ giá nhiên liệu, giá vé, cho phép các doanh nghiệp khai thác theo phương thức vừa kinh doanh và quảng cáo, khai thác không thu thuế trong thời gian đầu... để đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa nhà nước và doanh nghiệp. Bởi lẽ, nếu không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước, doanh nghiệp sẽ tính toán mức thu chi vào giá vé. Điều này sẽ đẩy giá vé lên cao.
Trong khi đó, TP lại đặt ra yêu cầu buýt đường sông phải hướng đến mục đích phục vụ lợi ích cho người dân nên rất khó cho phía chủ đầu tư trong quá trình nghiên cứu lập dự án. Vì xây dựng giá vé cao sẽ rất khó thu hút người dân đi lại, còn nếu giá vé thấp, doanh nghiệp sẽ bị lỗ. Đó là chưa kể, hiện nay thiếu đất dành cho xây dựng bến bãi, sự kết nối giữa đường bộ và đường sông, điểm gửi xe cho người dân khi có nhu cầu đi lại bằng buýt đường sông”.
Đình Lý