Phát triển công trình xanh tại Việt Nam

Phát triển công trình xanh tại Việt Nam

Công trình xanh là xu hướng của nhiều nước trên thế giới nhằm hướng đến môi trường đô thị bền vững. Những năm qua, xu hướng này cũng được thúc đẩy phát triển tại Việt Nam và hiện Việt Nam cũng đã có các công trình xây dựng được cấp chứng chỉ công trình xanh. Tuy nhiên, trong đánh giá tổng quan của hệ thống mạng lưới công trình xanh châu Á - Thái Bình Dương thì con số công trình đạt tiêu chí xanh tại Việt Nam đang ở mức rất khiêm tốn.

Số lượng công trình xanh còn quá ít

Tại các hội thảo về công trình xanh được tổ chức tại TPHCM trong tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù các công trình xanh tại TPHCM có những bước tiến nhất định trong những năm gần đây nhưng vẫn còn quá ít, mặc dù TPHCM là nơi đón nhận xu hướng kiến trúc xanh sớm nhất. Thực tế hiện TPHCM chỉ mới có một số công trình đạt được chứng nhận xanh quốc tế, như: tòa nhà văn phòng Unilever (quận 7), tòa nhà văn phòng Central Point (quận Phú Nhuận), khu căn hộ cao cấp Estella (quận Thủ Đức)... Trong đó, chỉ có 1 công trình có chứng nhận LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh của Mỹ); 2 công trình có chứng nhận của Green Mark (Singapore). Mới đây, thêm 2 công trình tại Việt Nam được trao chứng chỉ quốc tế EDGE - chứng chỉ công trình sử dụng tài nguyên hiêu quả của Tập đoàn Tài chính IFC (thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới) là Khu căn hộ The Bridgeview của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long tại TPHCM và dự án còn lại là tòa nhà Văn phòng FPT tại Đà Nẵng.

Khu căn hộ The Bridgeview của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long đạt chứng chỉ về công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả.

So sánh với các đô thị trong khu vực thì các công trình xanh tại TPHCM thua xa Kuala Lumpur (với 89 công trình đạt chứng nhận của LEED); Singapore (có 56 công trình đạt chứng nhận của LEED và hơn 1.500 công trình đạt chứng nhận Green Mark); Bangkok (có 38 công trình đạt chứng nhận của LEED); Phnom Penh với 7 công trình đạt chứng nhận của LEED…

Theo các chuyên gia về đô thị, nguyên nhân dẫn đến số lượng công trình xanh tại TPHCM còn khiêm tốn, ngoài yếu tố khách quan là vì thị trường địa ốc đóng băng mấy năm qua dẫn đến sự phát triển của các tòa nhà bị đình trệ, kéo theo các công trình xanh cũng giảm theo. Nguyên nhân chính vẫn là do nhận thức của người dân về môi trường, phát triển bền vững còn thấp, nên chưa quan tâm đến việc lựa chọn công trình xanh để sống, các chủ đầu tư cũng chưa quan tâm đến lợi ích của các công trình xanh.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Ông Autif Sayyed, chuyên gia về công trình xanh của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (nhóm Ngân hàng Thế giới) cho biết, đô thị hóa ngày càng phát triển, các tòa nhà mọc lên ngày càng nhiều. Chính vì thế, việc xây dựng các công trình xanh sẽ đóng góp một phần không nhỏ trong việc giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch; giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính vì thế, theo ông Autif Sayyed, các nhà đầu tư Việt Nam nên thay đổi nhận thức xây dựng theo hướng công trình xanh và phải ứng dụng những tiêu chí công trình ngay khi xây dựng, chứ không nên xây dựng rồi mới cải tạo thành công trình xanh. Mặc dù chi phí ban đầu bỏ ra cho công trình xanh cao hơn nhưng sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí về sau.

Đại diện Công ty Nam Long, một trong 2 chủ đầu tư có công trình được nhóm Ngân hàng Thế giới trao chứng chỉ EDGE đầu tiên tại Việt Nam về công trình sử dụng tiết kiệm năng lượng cũng cho biết, để xây dựng công trình xanh, tổng mức đầu tư ban đầu của một số hạng mục công trình bị tăng lên. Ngoài ra, đội ngũ tư vấn thiết kế và thi công công trình phải dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu các quy chuẩn và các yêu cầu. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện thủ tục pháp lý, quy trình thẩm tra và nghiệm thu công trình cũng tăng lên. “Công ty đã chấp nhận bỏ chi phí đầu tư cao hơn để công trình khi đưa vào sử dụng sẽ tiết kiệm được năng lượng, giúp các cư dân sống tại đây sử dụng hiệu quả năng lượng, nước. Qua đó, chúng tôi tạo được giá trị thương hiệu thân thiện với môi trường và cạnh tranh” - vị này cho hay. Tuy nhiên, vị này vẫn còn băn khoăn là sau khi đưa vào hoạt động, làm sao để hướng dẫn các cư dân sống trong công trình xanh có thể tiếp nhận và sử dụng một cách hiệu quả nhất để họ tiết kiệm được chi phí tốt nhất.

Chính vì thế, để có thể phát triển các công trình xanh tại TPHCM nói riêng và tại Việt Nam nói chung, các chuyên gia quốc tế cho rằng cần phải tạo được thị trường công trình xanh bằng cách thúc đẩy phát triển công trình xanh; nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa và giá trị của công trình xanh và sự gắn kết giữa nhiều phía từ giáo dục cho đến các nhà đầu tư, nhà tư vấn thiết kế… Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích đầu tư công trình xanh một cách cụ thể hơn.

PHÚC LONG

Tin cùng chuyên mục