Phát triển đô thị bền vững, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại

Khắc phục yếu kém trong phát triển đô thị
Phát triển đô thị bền vững, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại

Chúng tôi nhận thức được rằng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thành ủy TPHCM, trước hết là Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy, sự điều hành của UBND TP, các doanh nghiệp và nhân dân thành phố đã nỗ lực làm nên những thành quả to lớn trong 5 năm qua, từng bước tạo nên diện mạo mới của TPHCM theo hướng văn minh, hiện đại.

Khu đô thị Sala đang xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Cao thăng

Khắc phục yếu kém trong phát triển đô thị

Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhất trí với dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ thành phố đánh giá về kinh tế và phát triển đô thị. “Đầu tư chỉnh trang, nâng cấp đô thị hiện hữu theo hướng văn minh, hiện đại và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; đa dạng hóa phương thức xây dựng nhà ở xã hội, thực hiện hiệu quả chương trình giải tỏa nhà ở trên và ven kênh rạch, xây dựng mới chung cư hư hỏng nặng, nâng cao chất lượng nhà ở tái định cư, đồng thời tổ chức lại cuộc sống dân cư; xây dựng mới khoảng 39 triệu m2 nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 17m2, tạo điều kiện cho nhân dân cải thiện nhà ở. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng trục chính trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm…”. Hiệp hội cũng thống nhất với đánh giá mặt hạn chế, yếu kém trong dự thảo như: “Xử lý nợ xấu còn chậm; chất lượng tín dụng và dịch vụ ngân hàng cải thiện còn chậm. Thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn trì trệ”.

Tuy nhiên, đề nghị bổ sung đánh giá về thị trường BĐS như sau: “Trong 5 năm qua, thị trường BĐS trong tình trạng bị khủng hoảng đóng băng, thành phố đã có những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu thông qua chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm, hỗ trợ cho 2.380 cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang vay vốn tín dụng ưu đãi (ngân sách hỗ trợ một phần lãi suất) để tạo lập nhà ở, tạo tiền đề và kinh nghiệm để Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, giúp cho thị trường BĐS chuyển sang giai đoạn phục hồi kể từ nửa cuối năm 2013 cho đến nay”.

Về hạn chế, yếu kém, đề nghị bổ sung: “Thị trường BĐS vẫn còn trì trệ, phục hồi chưa vững chắc; việc giải quyết nhà ở cho sinh viên, công nhân lao động phần lớn vẫn do người dân tự giải quyết, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội”; “Chất lượng quy hoạch, quản lý và thực hiện theo quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của thành phố. Tiến độ xử lý “dự án treo” còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân; chưa có cơ chế để xử lý thỏa đáng các dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư hoặc các dự án đang thực hiện dở dang”. Về đánh giá chung, đề nghị bổ sung: “Công tác quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đạt kết quả thiết thực, tạo điều kiện cho thị trường BĐS phục hồi, phát triển theo hướng minh bạch, cạnh tranh và bền vững; về cơ bản đã giải quyết được nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân và cả người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại thành phố”. 

Hướng đến thành phố sinh thái, thông minh

Về mục tiêu tổng quát, chúng tôi đề nghị mục tiêu phấn đấu của thành phố “có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của châu Á”, bởi lẽ trước đây Sài Gòn được coi là Hòn ngọc Viễn đông, hiện nay, TPHCM cũng là một trong những đô thị lớn của châu Á, có nội lực và tiềm năng để trở thành một siêu đô thị, có thể so sánh với những đô thị tầm cỡ của châu Á. Một điều kiện tiên quyết là TPHCM cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy mọi tiềm lực về nguồn nhân lực, lợi thế vị trí, nguồn lực để bứt phá vượt lên phía trước, thực sự là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế cả nước. Do vậy, việc tạo xung lực mới cho thành phố là hết sức cần thiết, trước hết là cần có cơ chế đặc thù cho thành phố, cần phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh.

Về 7 chương trình đột phá của thành phố trong giai đoạn 2015-2020 mà dự thảo Báo cáo nêu ra, có thêm một chương trình mới đó là “Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị”. Theo đó, nhiệm vụ là tập trung hoàn thiện việc di dời, tái bố trí toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, nâng cấp các khu phố có nhiều nhà lụp xụp, xây dựng mới các chung cư xuống cấp, chỉnh trang đô thị, tạo thêm quỹ đất dành cho giao thông và công trình công cộng… Hiệp hội nhận thấy đây là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề căn cơ và mang tính bền vững, các giải pháp của thành phố cần được hướng đến tất cả thành phần dân cư. Vì ngay như nhu cầu về nhà ở, không chỉ những người có thu nhập thấp hoặc đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, mà còn nhiều đối tượng khác như những người có thu nhập trung bình và cả những người có thu nhập cao, người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại thành phố cũng có nhu cầu rất lớn. Nếu đã đặt trọng tâm vào chỉnh trang, phát triển đô thị thì cũng cần quan tâm đến mục tiêu phát triển thị trường BĐS theo hướng minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững. 

Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung vào định hướng phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị TPHCM.

LÊ HOÀNG CHÂU
(Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM)

Tin cùng chuyên mục