Phát triển đô thị kết hợp ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nhiều nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo chiến lược quốc gia về BĐKH, giai đoạn 2013 - 2025 với định hướng cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng phát triển hiện đại nhưng phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề giảm phát khí thải nhà kính để bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, Chính phủ vừa phê duyệt các đề án và chiến lược quan trọng nhằm chủ động ứng phó với BĐKH gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát triển đô thị kết hợp ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nhiều nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo chiến lược quốc gia về BĐKH, giai đoạn 2013 - 2025 với định hướng cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng phát triển hiện đại nhưng phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề giảm phát khí thải nhà kính để bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, Chính phủ vừa phê duyệt các đề án và chiến lược quan trọng nhằm chủ động ứng phó với BĐKH gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát triển nhiều mảng xanh trong đô thị sẽ giảm phát thải nhà kính. Ảnh: HUY ANH

Phát triển nhiều mảng xanh trong đô thị sẽ giảm phát thải nhà kính. Ảnh: HUY ANH

Hình thành hệ thống cảnh báo rủi ro BĐKH

Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013 - 2020”. Theo đề án này, hệ thống đô thị trên phạm vi toàn quốc sẽ thực hiện việc phát triển đô thị theo hướng thích ứng với BĐKH. Đề án được phân theo 2 khu vực chịu tác động: Hệ thống đô thị ven biển, ven sông, các khu vực đô thị đồng bằng có nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng, triều cường, mất đất, nhiễm mặn nguồn nước; hệ thống đô thị miền núi, cao nguyên chịu ảnh hưởng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, suy giảm nguồn nước ngầm.

Đề án cũng đề xuất tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Cụ thể là điều tra, đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2013 - 2020 để khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của BĐKH, tính toán khả năng và mức độ tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó; đồng thời hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro BĐKH tại đô thị. Bên cạnh đó, sẽ tích hợp nội dung ứng phó với BĐKH vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị; hình thành hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị; phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão. Ngoài những hoạt động trên, đề án cũng tập trung nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với BĐKH; thông tin truyền thông về ảnh hưởng của BĐKH tới người dân, tăng cường phối hợp cộng đồng và các bên liên quan trong triển khai thực hiện. Ngoài ra, đề án cũng sẽ thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị xanh, kiến trúc xanh; xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường…

Đề án này được lập cho giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020. Theo đó, giai đoạn 1 (từ năm 2013 - 2015) thực hiện tại 6 đô thị gồm: TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Cà Mau. Giai đoạn 2 (từ năm 2016 - 2020) thực hiện cho 35 đô thị, trong đó gồm 24 đô thị thuộc 15 tỉnh vùng duyên hải Bắc bộ, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long; 11 đô thị thuộc 10 tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Giai đoạn sau năm 2020, đề án sẽ thực hiện trên hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt và hệ thống các đô thị có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Về kinh phí thực hiện, Chính phủ yêu cầu các bộ - ngành liên quan bố trí vốn vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Xây dựng để trình Chính phủ phê duyệt. Chính phủ cũng khuyến khích huy động nguồn vốn từ hợp tác quốc tế, vốn ODA để thực hiện các chương trình, dự án thí điểm.

Tăng cường công nghệ sạch

Với mục tiêu sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp trong sản xuất công nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm nhẹ BĐKH và nâng cao đời sống cộng đồng, Chính phủ cũng đã phê duyệt chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiệm vụ của chiến lược này là xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch cho các cơ sở sản xuất trong các ngành công nghiệp trọng điểm sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường.

Bên cạnh đó, chiến lược này cũng đề ra việc đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về sử dụng công nghệ sạch, loại bỏ các công nghệ lạc hậu đối với các ngành sản xuất và chế biến được lựa chọn. Nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng, trình diễn công nghệ sạch cho các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm đối với các ngành công nghiệp trọng điểm như: dệt nhuộm, sản xuất phân bón, sản xuất ắc quy, luyện thép, khai thác, chế biến khoáng sản, nhiệt điện, sản xuất giấy, sản xuất xi măng, sản xuất mía đường. Sau đó sẽ tiến tới áp dụng cho các nhóm ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm khác như hóa chất, luyện kim, cơ khí, vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác. Theo đó, đến năm 2020, 100% dự án đầu tư mới thuộc các ngành trên phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch; 60% - 70% cơ sở sản xuất đang hoạt động trong các ngành công nghiệp nêu trên hoàn thành việc xây dựng, thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch. Đến năm 2030, 100% cơ sở sản xuất trong toàn ngành công nghiệp phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch.

HÀ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục