Phát triển du lịch: Coi chừng tụt xa láng giềng

Trong 3 nước vùng Đông Dương, Việt Nam đầu tư cho phát triển du lịch nhỉnh hơn hẳn so với Campuchia và Lào. Tuy nhiên, với cách làm rời rạc, thiếu định hướng, theo phong trào và mạnh ai nấy làm như hiện nay của ngành du lịch Việt Nam thì cách làm của nước bạn đang trở nên nổi trội về tính chuyên nghiệp và hiệu quả.
Phát triển du lịch: Coi chừng tụt xa láng giềng

Trong 3 nước vùng Đông Dương, Việt Nam đầu tư cho phát triển du lịch nhỉnh hơn hẳn so với Campuchia và Lào. Tuy nhiên, với cách làm rời rạc, thiếu định hướng, theo phong trào và mạnh ai nấy làm như hiện nay của ngành du lịch Việt Nam thì cách làm của nước bạn đang trở nên nổi trội về tính chuyên nghiệp và hiệu quả.

Thị trường có mục tiêu

Nhiều năm qua, mỗi năm ít nhất một lần, ngành du lịch 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam có dịp ngồi lại, bàn hướng phát triển du lịch vùng, nhân sự kiện Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM - ITE HCM diễn ra thường niên tại TPHCM. Trải qua nhiều năm hợp tác, phát triển “3 quốc gia - 1 điểm đến” rồi mở rộng lên “4 quốc gia - 1 điểm đến” với sự tham gia của ngành du lịch Myanmar, hiệu quả của sự hợp tác ngày càng mang lại dấu hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch Việt Nam, những điều đã được mang ra bàn bạc, định hướng phát triển thì nước bạn đã tận dụng, triển khai tốt hơn. Trong khi du lịch Việt Nam bàn xong để đó, chưa có nhiều bước đột phá. Du lịch Việt Nam tự hào đi trước, cũng học hỏi, học tập kinh nghiệm ở nhiều nước mang về áp dụng nhưng không tới đâu. Campuchia đi sau nhưng họ đã thành công trong cách làm, nhất là du lịch giá rẻ như cách làm của Thái Lan.

Khách Việt Nam tham quan cơ sở làm đường thốt nốt ở Siêm Riệp - Campuchia

Khách Việt Nam tham quan cơ sở làm đường thốt nốt ở Siêm Riệp - Campuchia

Tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch 4 quốc gia Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam vừa diễn ra tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Bosengkham Vongdara cho biết, Chính phủ Lào xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng. Để ngành du lịch phát triển hơn trong công tác quảng bá, tuyên truyền, Lào đã quyết định đổi tên, nhập phần thông tin vào du lịch. ITE HCM 2011 diễn ra tại Việt Nam nhưng chương trình của ngành du lịch Campuchia lại vượt trội cả hình thức lẫn nội dung. Ngoài gian hàng quốc gia quy mô lớn, các doanh nghiệp du lịch khác của Campuchia như Nagaworld, Hà Tiên Vegas cũng đầu tư gian hàng bắt mắt, kèm theo các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc hấp dẫn, hoành tráng tại hội chợ.

Bên cạnh chương trình chung, Campuchia còn có các chương trình riêng như tổ chức lễ vinh danh những doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã có những đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch… Campuchia. Có một thực tế, ngay tại hội chợ, doanh nghiệp du lịch Việt Nam còn được tham gia vào gian hàng của Campuchia mà không mất phí!

Ông Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, cho biết, năm nay đơn vị đạt giải thưởng Top 10 doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đưa khách vào Campuchia nhiều nhất nên ngành du lịch Campuchia đã bố trí cho doanh nghiệp một chỗ trong gian hàng chung của Campuchia mà không mất một đồng phí nào, như một phần thưởng ngành du lịch Campuchia dành cho Hòn Ngọc Viễn Đông. Nếu không có được sự hỗ trợ này, muốn tham gia hội chợ, ít nhất doanh nghiệp cũng phải chi khoảng 50 triệu đồng.

Trong xúc tiến quảng bá, các doanh nghiệp du lịch lớn như Saigontourist, Benthanhtourist, Vietravel có điều kiện đầu tư gian hàng riêng, còn các doanh nghiệp nhỏ phải nhờ sự hỗ trợ từ Tổng cục Du lịch. Nhưng buồn thay, ngay sát với gian hàng Campuchia sầm uất sôi động, gian hàng của Tổng cục Du lịch Việt Nam trống hoác, tham gia cho có lệ.

Campuchia đã có cách làm chuyên nghiệp, chiến dịch bài bản để đầu tư cho thị trường mục tiêu, vì họ xác định Việt Nam là thị trường số 1. Thật vậy, từ vị trí thứ 2 sau Hàn Quốc, hiện nay lượng khách Việt Nam dẫn đầu thị trường khách quốc tế tại Campuchia. Hiện khách Việt Nam chiếm 1/5 tổng lượng khách quốc tế đến Campuchia, dự kiến sẽ đạt 550.000 khách trong năm 2011.

Cạnh tranh giá rẻ

Campuchia mới đón khoảng 2,5 triệu khách quốc tế, chỉ bằng một nửa so với hơn 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Thế nhưng, Campuchia đã định hình được mục tiêu phát triển, thu hút khách du lịch. Du lịch giá rẻ là một lựa chọn mang lại thành công cho họ. Nhiều năm qua, du lịch Campuchia không tăng giá. Ngành du lịch Campuchia có chính sách đãi ngộ cụ thể, mỗi số lượng khách sẽ có khung giá ưu đãi riêng.

Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cho biết, hiện nay các khách sạn 5 sao tại Campuchia chào bán phòng cho doanh nghiệp Việt Nam chỉ 25 - 30 USD/phòng/ngày đêm, khách sạn 3 sao chỉ ở mức 10 - 15 USD/phòng/ngày đêm. Trong khi đó, giá phòng 5 sao tại Việt Nam được các khách sạn bán với giá “tình cảm” nhất, cũng khoảng 70 - 80 USD/phòng/ngày đêm.

Tại TPHCM, mức giá trung bình của khách sạn 3 - 5 sao vừa được công bố là 94 USD/phòng/ngày đêm. Tâm lý được nghỉ tại khách sạn 5 sao, được hưởng các dịch vụ cao cấp với giá rẻ là một động lực thu hút khách. Nhưng bù vào giá phòng rẻ là một chính sách “moi tiền” trong các dịch vụ giải trí khác, nổi trội nhất tại Campuchia hiện nay là casino. Còn Việt Nam, khai thác những thứ có sẵn của thiên nhiên, giải trí thuần túy cũng không nhiều, cách moi tiền cũng không có. Nên các khách sạn không dại gì phải hạ giá. Và cứ thế, giá tour Việt Nam lúc nào cũng kém cạnh tranh. Ngành du lịch Campuchia đang đi đúng hướng. Với cách làm này, chắc chắn du lịch Campuchia sẽ tiến vượt bậc.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục