
Để cải thiện tình trạng giao thông của TPHCM cần ít nhất 22-30 tỷ USD. Trước mắt, với 100 dự án khẩn cấp cần làm ngay cũng cần đến 8 tỷ USD. TPHCM đang đứng trước bài toán vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó lời giải đang nghiêng về phía thu hút vốn ngoại, chủ yếu từ các nguồn ODA, kế đó là các nguồn vốn khác, kể cả phát hành trái phiếu.
Dự án nhiều - cơ hội nhiều

Nhiều doanh nghiệp trong nước muốn bỏ vốn để đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: P.N.
Trong giải trình của mình với Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã cho biết, yêu cầu vốn cho khoảng 100 dự án phát triển hạ tầng giao thông từ nay đến năm 2010, phải ưu tiên xây dựng ngay, đã cần tới hơn 8 tỷ USD (tương đương 127.000 tỷ đồng).
Đó là các dự án quan trọng như 74 dự án xây dựng cầu, 9 bãi đậu xe, 15 nút giao thông... Trong khi đó, ngân sách TP chỉ có thể đáp ứng được khoảng 3.000 tỷ đồng/năm, tương ứng với 7% nhu cầu vốn, còn 93% phải huy động từ nhiều nguồn.
Hàng loạt dự án được điều chỉnh hợp lý các đường vành đai, điều chỉnh đường nối để trở thành trục hướng tâm; điều chỉnh quy hoạch cảng biển và đường thủy; điều chỉnh quy hoạch giao thông đường sắt... Đó là chưa kể chương trình giảm áp lực giao thông nội thành, trong khi TP không có khả năng tiếp tục cải tạo, mở rộng đường trong nội thành vì quy mô và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng quá lớn, TP đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư hai tuyến đường trên cao liên thông để giải quyết giao thông trực tuyến ở các trục có lưu lượng giao thông lớn. Đó là tuyến đường số 1 sẽ từ nút giao Cộng Hòa, chạy dọc theo đường Cộng Hòa-Bùi Thị Xuân-kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Dự kiến tổng vốn cho tuyến này cần 4.700 tỷ đồng. Tuyến đường trên cao số 2 sẽ từ điểm giao với tuyến số 1 tại đường Tô Hiến Thành, nối dài theo đường Tô Hiến Thành, Lữ Gia, Bình Thới, Lạc Long Quân, đường số 3, đường vành đai 2. Tuyến này dự kiến cần 4.500 tỷ đồng vốn đầu tư. Các dự án này đang cần tìm nguồn vốn đầu tư.
Việc tìm kiếm các nguồn vốn ODA chắc chắn là cần thiết và hiệu quả, nhưng không phải dễ dàng. Thực tế cho thấy, nhiều dự án đang triển khai từ nguồn vốn này tiến hành chậm so với yêu cầu phát triển. Mặt khác, để có nguồn vốn ODA, TP cũng phải chuẩn bị nguồn vốn đối ứng rất lớn. Đơn cử, chỉ dự án phát triển hệ thống metro, TPHCM cũng chạy đôn chạy đáo tìm vốn đầu tư và mới đây đã được lời hứa hẹn từ các nhà tài trợ…
Một số phương thức thực hiện và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cũng được đề nghị như: lấy vốn đầu tư từ nguồn vốn chuyển nhượng mặt bằng cơ sở hiện hữu trong nội thành, thực hiện đầu tư theo phương thức BOT kết hợp khai thác quỹ đất; phát hành trái phiếu...
Nhà đầu tư trong nước sẵn sàng
Nhiều nhà đầu tư đều nhận định TPHCM là một TP lùn. Lùn đây tức là nhà liên kế, nhà trệt là chủ yếu, khiến cho lãng phí mặt bằng đất đai, tổ chức các tuyến vận chuyển giao thông công cộng cũng khó hiệu quả. Đã vậy, các tuyến giao thông rất ít cầu vượt khiến cho có quá nhiều điểm giao cắt, các điểm giao cắt lại gần nhau, càng làm cho tình trạng kẹt xe thêm tăng.
Trong tương lai gần, TP sẽ có khoảng 10 triệu dân, tình trạng kẹt xe sẽ thêm hỗn độn. Đáng lẽ cần phải xây dựng đường trên cao từ lâu. Và các nhà đầu tư trong nước sẵn sàng bỏ vốn đầu tư nếu TP có chính sách rõ ràng và bình đẳng.
Do vậy, ngay khi các thông tin trên được công bố, nhiều nhà đầu tư trong nước đã đặc biệt quan tâm và đánh tiếng, họ có dư vốn đang không biết “đổ” vào dự án đầu tư nào thì đây sẽ là cơ hội đầu tư tốt, nếu TP có một cơ chế tốt, môi trường đầu tư minh bạch và bình đẳng.
Nhiều nhà đầu tư cho biết, trong khi TP để xảy ra thực trạng hạ tầng giao thông quá tải, kẹt xe và tai nạn giao thông tăng cao đến mức báo động, nhiều vị lãnh đạo TP đều cho rằng do TP thiếu vốn đầu tư nên chưa cải thiện được tình hình nhưng thực tế vốn của các doanh nghiệp trong nước rất nhiều. Mới đây, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn Invest Group-SIG đã phát biểu với báo giới rằng, các doanh nghiệp trong nước đang thừa tiền chưa biết đầu tư vào đâu và họ sẵn sàng đầu tư vào hạ tầng giao thông ở TPHCM.
Ý kiến của nhiều nhà đầu tư, nên đổi đất lấy hạ tầng. TP có ít nhất 20 lô đất vàng ngay từ khu vực trung tâm có thể đấu thầu lấy vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Vừa qua, TP đã giao một số mặt bằng cho một vài tập đoàn nên đã gặp phản ứng của nhiều nhà đầu tư, vì họ cũng muốn tham gia đấu thầu để khai thác các mặt bằng này.
Chính vì vậy, việc đấu thầu cần minh bạch và đối xử công bằng với tất cả các nhà đầu tư trong nước. Nhiều nhà đầu tư cho biết, thị trường chứng khoán phát triển trong thời gian qua chính là kênh huy động vốn hiệu quả nhất, nhiều tập đoàn đã huy động vốn rất lớn và sẵn sàng bỏ vốn vào đầu tư các dự án hạ tầng giao thông của TPHCM.
Văn Minh Hoa