Thông thoáng
Có dịp lưu thông trên xa lộ Hà Nội từ cầu Sài Gòn, Rạch Chiếc đến cầu Đồng Nai được xây mới, mở rộng, nâng cấp, sẽ thấy tuyến đường đã thực sự thành một xa lộ hiện đại, chiều rộng mặt đường từ 21m được mở rộng lên 142m (có đoạn rộng đến 153,5m), với 16 làn xe. Công trình được khởi công vào tháng 4-2010, hiện đã hoàn thành toàn bộ đoạn trục chính dài 11,5km, từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia TPHCM.
Cuối năm 2019, nút giao thông Đại học Quốc gia TPHCM - thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) làm chủ đầu tư - đã đưa vào sử dụng hầm chui chiều dài hơn 1,8km, bắt đầu từ cổng Khu du lịch Suối Tiên đến khu vực cây xăng Bình Thắng. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, đoạn qua đây được mở rộng, tăng số làn xe từ 7 lên 14 làn ở cả hai chiều, đã giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này.
Song song với xa lộ Hà Nội, lừng lững trên cao có tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên uốn lượn. Hệ thống nhà ga, đường chạy tàu đã thành hình, sắp đến ngày vận hành. Hiện dự án mở rộng xa lộ Hà Nội vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn tất do vướng mặt bằng và trùng lắp mặt bằng với các dự án khác. Đây là một dự án giao thông trọng điểm có quy mô tương đối lớn, đã góp phần tạo ra bộ mặt thông thoáng cho giao thông ở cửa ngõ phía Đông thành phố.
Khi giao thông đi trước…
Diện mạo khu Đông thành phố có được như ngày hôm nay không thể không nhắc đến những công trình hạ tầng giao thông. Việc hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ đã kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt khu đô thị. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, phía Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng “tam giác vàng” (TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu), là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại về việc xa lộ Hà Nội dù đã được mở rộng, nhưng thời gian tới vẫn sẽ bị quá tải trước nhu cầu vận tải ngày càng cao của TPHCM. Để chia tải với xa lộ Hà Nội, tuyến đường Phạm Văn Đồng đã được đầu tư xây dựng, kéo dài quốc lộ 1K vào trung tâm thành phố; đồng thời, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng cần khẩn trương đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và sớm khép kín đường Vành đai 2.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, thời gian qua, khu Đông thành phố được đầu tư hạ tầng mạnh nhất so với các khu vực khác. Hàng loạt dự án hạ tầng lớn đã và đang được hình thành tại đây. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu lưu thông cho hơn 1 triệu người ở thành phố phía Đông trong tương lai, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Vì vậy, giao thông khu vực này không chỉ dừng lại xa lộ Hà Nội, tuyến metro số 1, quốc lộ 1K, đường cao tốc TPHCM - Long Thành giai đoạn 2, mà còn hàng loạt tuyến đường kết nối với xa lộ Hà Nội, các đường vành đai 2 và 3, cầu Cát Lái, cầu Mỹ Thủy 3 trên đường Đồng Văn Cống… Một dự án khác cũng nhận được sự quan tâm là hệ thống hầm, cầu trước khu vực Bến xe miền Đông mới, bao gồm cầu bộ hành và đường chui nhánh phải (thuộc dự án cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới ở quận 9 nối TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Một số chuyên gia cho rằng, việc xây dựng và quy hoạch phía Đông thành khu đô thị sáng tạo sẽ là cột mốc làm thay đổi bộ mặt của toàn thành phố. Nhưng, cần có sự quyết tâm cùng những chính sách thật sự mang tính đột phá cho hạ tầng giao thông, thì thành phố phía Đông mới sớm trở thành một đô thị ngang tầm với các đô thị phát triển trong khu vực.