Phi công cần điều kiện gì để điều khiển “siêu máy bay”?

Để vận hành và khai thác những chiếc "siêu" máy bay như Airbus A350 và Boeing 787 chuyên chở hàng trăm hành khách, từ hãng hàng không tới các phi công đều phải tuân theo các yếu tố an ninh, an toàn trong các chuỗi hoạt động ngành. Điều này lý giải cho những quy định ngặt nghèo, sức ép công việc rất lớn mà ngành nghề thu nhập “khủng” đặt ra cho các phi công.
Phi công cần điều kiện gì để điều khiển “siêu máy bay”?

Phi công - Nhân tố quan trọng trong chuỗi an toàn hàng không

Phi công là ngành nghề đáng mơ ước. Không chỉ bởi mức thu nhập lớn tới gần 300 triệu mỗi tháng như mức lương các hãng hàng không tại Việt Nam công bố thời gian gần đây. Sức hấp dẫn của nghề phi công còn là sự thỏa mãn đam mê chinh phục giới hạn của con người - giới hạn bay.

Tuy nhiên, đã gia nhập vào nghề, các học viên phi công đều được đào tạo về tầm ảnh hưởng của họ trong chuỗi an toàn hàng không. Phi công là nguồn lực lao động trình độ cao trong ngành hàng không, có kỷ luật lao động đặc thù.

Trao đổi với Báo Sài Gòn Giải Phóng về vấn đề này, một chuyên gia hàng không cho biết, hàng không là lĩnh vực mang tính chất đặc thù và bị quyết định bởi các yếu tố an ninh, an toàn trong các chuỗi hoạt động. Do đó, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ các yếu tố liên quan đến cơ sở vật chất thì yếu tố con người - đặc biệt là nhân viên hàng không trình độ cao, bao gồm từ phi công, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay; nhân viên điều độ khai thác bay đều có vai trò chi phối rất nhiều đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn trong khai thác.

Để đảm bảo an toàn hàng không, các hãng hàng không liên tục xây dựng văn hóa an toàn hàng không nhằm xây dựng ý thức cho mỗi thành viên ngành. Với các phi công, họ cũng được xây dựng quy chế về văn hóa báo cáo bao gồm nhiều báo cáo an toàn bí mật, báo cáo an toàn tự nguyện bên cạnh các báo cáo bắt buộc và định kỳ khác. Theo các chuyên gia trong ngành hàng không, đây là một công tác quan trọng trong đảm bảo an toàn hàng không khi tạo thành thói quen đặt an toàn hàng không lên vị trí số 1 với các nhân viên hàng không trình độ cao.

Ràng buộc nào cho phi công?

Tháng 6-2018, một số phi công Vietnam Airlines xin nghỉ việc, lên tiếng về việc họ phải bồi hoàn chi phí đào tạo ban đầu, muốn chấm dứt hợp đồng phải báo trước 120 ngày là quá khắt khe. Câu hỏi đặt ra bên cạnh vấn đề an toàn hàng không kể trên thì những điều luật nào quy định ràng buộc trách nhiệm cho các phi công?

Theo quy định tại Điều 37 - Bộ luật Lao động, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày (đối với hợp đồng có xác định thời hạn, phải báo trước ít nhất 30 ngày). Có thể thấy, với điều luật này, Bộ luật Lao động chỉ quy định ở mức giới hạn tối thiểu mà không quy định về mức tối đa.

Như vậy, Thông tư số 41/2015 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày là phù hợp với Luật Hàng không với việc giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về chế độ lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.

Theo các chuyên gia hàng không, quy định này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng nhân viên hàng không bậc cao, tạo điều kiện cho việc sử dụng nguồn nhân lực một cách hài hòa, không tạo nên những đột biến trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay.

Trong khi đó, lý giải về vấn đề trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo khi phi công đơn phương chấm dứt hợp đồng, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết trong trong văn bản báo cáo Bộ GTVT: “Trách nghiệm và mức bồi hoàn chi phí đào tạo và bồi thường do phá vỡ cam kết làm việc sau đào tạo được quy định cụ thể tại Bộ Luật Lao động, Bộ Luật Dân sự và các văn bản quản lý của Vietnam Airlines và các hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo phi công đã giao kết với Vietnam Airlines”.

Theo đại diện của Hãng hàng không Việt Nam, như vậy, các quy định liên quan đến trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo và mức phải bồi hoàn là minh bạch và rõ ràng ngay từ khi người phi công giao kết hợp đồng lao động và hợp đồng đào tạo với Vietnam Airlines.

Câu chuyện ồn ào về phi công cho thấy việc chỉ coi phi công như nghề “bay ra tiền” cần phải được nhìn nhận lại. Phi công là những người cần không ngừng học hỏi, không ngừng phấn đấu theo những quy tắc chặt chẽ của một nghề nghiệp đặc thù. Chỉ với tâm thế này, người phi công mới có thể bước vào chuỗi an toàn hàng không với đầy đủ tâm huyết và sức chống chịu những sức ép phải có cùng “ước mơ bay”.

Tin cùng chuyên mục