Nêu ý kiến thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Khi nghe thông tin về việc 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có tên trong danh sách những sân bay tệ nhất châu Á, tôi buồn lắm. Về chất lượng nhà vệ sinh ở 2 sân bay này, tôi đã từng viết vào sổ góp ý nhưng không thấy ai sửa”. Một phó chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến tại kỳ họp Quốc hội về vấn đề nhà vệ sinh của sân bay, cho thấy đây không phải là chuyện nhỏ. Bạn đọc Báo SGGP cũng nêu nhiều ý kiến góp ý về những chuyện đáng phàn nàn ở sân bay.
Một cửa hàng ăn uống trong sân bay Tân Sơn Nhất.
* TRỊNH MINH GIANG (Thủ Đức, TPHCM): Vệ sinh chưa được quan tâm
Nhà vệ sinh của sân bay cũng là một phần của hình ảnh sân bay của thành phố, của đất nước. Chắc hẳn không thể có tình trạng nhà vệ sinh nhếch nhác mà những nơi khác trong sân bay đều tươm tất, đàng hoàng, cũng như chắc hẳn không thể có cách quản lý nhà vệ sinh quá kém mà cách phục vụ hành khách ở các bộ phận khác trong sân bay lại tử tế, đáng khen ngợi. Câu chuyện nhà vệ sinh ở sân bay là một câu chuyện quản lý, cần phải được chú trọng đúng mức.
Tuy nhiên, một vấn đề khác cũng cần chú ý là các vị có trách nhiệm có quan tâm kiểm tra, chỉ đạo xử lý, khắc phục vấn đề vệ sinh tại sân bay? Có lẽ thật khó thuyết phục dư luận rằng vấn đề này đã được các vị ấy có ý kiến, bởi nếu đã có ý kiến thì tình hình phải được cải thiện, chứ không đến độ có chuyện hai sân bay lớn của nước ta bị lọt vào danh sách đáng buồn kia. Như vậy, có khi các nhà quản lý quá chú trọng đến các vấn đề vĩ mô mà bỏ qua, hoặc lãng quên các vấn đề tưởng chừng “không đáng kể”. Lâu nay, chúng ta nghe thông tin rằng các sân bay thực hiện việc đảm bảo an ninh, việc quản lý các quầy phục vụ…, chứ chưa nghe việc nâng chất lượng phục vụ của các nhà vệ sinh. Rất đáng tiếc người ta có thể đầu tư nhiều tiền của cho việc xây dựng và quản lý các công trình, nhưng lại đầu tư cho nhà vệ sinh và cách thức quản lý chất lượng của các nhà vệ sinh ở đó lại hoàn toàn không tương xứng. Đó là một biểu hiện của sự thiếu sót, phiến diện trong tư duy quản lý.
Qua việc hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị lọt vào danh sách sân bay tệ, mong rằng các vị lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm liên quan sẽ quan tâm chỉ đạo nâng chất lượng phục vụ của các nhà vệ sinh ở sân bay. Nhưng có lẽ điều khác còn quan trọng hơn, đó là những người quản lý, lãnh đạo sân bay phải sâu sát, chủ động nắm bắt ngay tình hình thực tế mà tìm cách xử lý, giải quyết, chứ không phải đợi lãnh đạo cấp trên nhắc nhở, phê bình, hay đợi báo chí, dư luận phàn nàn.
* ĐỨC NGUYÊN (quận 5, TPHCM): Giá hàng hóa trên trời
Hiện nay giá dịch vụ cũng như giá thức ăn, nước uống tại các cửa hàng, quầy hàng tại các sân bay ở nước ta quá đắt. Tại quầy bán nước uống ở sân bay Nội Bài, tôi mua hai chai nước suối nhỏ (loại 500ml) với giá 20.000 đồng/chai, như vậy 1 lít nước giá đến 40.000 đồng, đắt gần gấp đôi giá xăng. Trong khi nếu mua ở ngoài hoặc trong siêu thị thì cùng lắm giá bán loại chai nước 500ml này chỉ 4.000 đến 5.000 đồng/chai. Ngoài ra, giá bán các loại cốm, hạt sen sấy khô, trái sấu chua cay... tại các quầy hàng trong sân bay đều đắt gấp nhiều lần so với giá bán bên ngoài.
Không chỉ riêng sân bay Nội Bài, mà tại nhiều sân bay khác trong nước, giá bán thức ăn, nước uống và các mặt hàng khác cũng rất đắt đỏ. Người bán tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ trong sân bay thường cho rằng do tiền thuê mặt bằng trong sân bay rất cao nên việc bán giá cao gấp 4, gấp 5 lần so với giá bán bên ngoài cũng là điều dễ hiểu. Vì giá bán quá cao nên đa số hành khách ngồi chờ đợi làm thủ tục lên máy bay chỉ ghé vào các quầy hàng nhìn xem, chứ ít khi nào mua. Do không được mang chai nước uống qua cửa kiểm tra, nên khi chờ làm thủ tục lên máy bay người ta bất đắc dĩ mới phải bấm bụng mua những chai nước giá trên trời như vậy.
Thiết nghĩ, kinh doanh là việc “thuận mua vừa bán”, nhưng không thể lạm dụng độc quyền bán hàng hóa trong sân bay rồi bán với giá cao gấp nhiều lần so với giá bán bên ngoài, khiến hành khách phải phàn nàn. Cần chấn chỉnh lại giá hàng hóa ở các sân bay, một khi giá cả hợp lý thì chắc chắn các quầy hàng trong sân bay sẽ thu hút được đông đảo hành khách ghé vào, không chỉ để nhìn xem, mà mua nhiều hơn, từ đó doanh số và lợi nhuận bán hàng sẽ tăng, vừa làm hành khách hài lòng, vừa tiêu thụ được sản phẩm, giới thiệu được với hành khách nước ngoài các sản phẩm nội địa.