Phim "30-4 - Ngày thống nhất" - góc nhìn mới về lịch sử

Phim "30-4 - Ngày thống nhất" - góc nhìn mới về lịch sử

Vẫn có những cảnh quay đầy ắp tiếng súng, những mất mát, đau thương; vẫn có những ánh mắt nụ cười của đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn… song với bộ phim tài liệu 30-4 - Ngày thống nhất của Điện ảnh Quân đội vừa hoàn thành, khán giả sẽ được tiếp cận với một cách nhìn mới về một sự kiện lịch sử quen thuộc. NSND Lê Thi, đạo diễn bộ phim trên, đã có những chia sẻ với phóng viên Báo SGGP.

* PHÓNG VIÊN: Phim về chiến thắng 30-4 không phải là đề tài mới. Ông có lo ngại 30-4 - Ngày thống nhất lại tiếp tục đi vào lối mòn cũ của phim tài liệu chiến tranh?

* NSND LÊ THI: Đề tài của bộ phim không mới, nhưng trong phim, chúng tôi đã tìm cách thể hiện mới để nói về một sự kiện lịch sử quen thuộc. Tôi cố gắng tìm ra một cách đi mới, một góc nhìn khác về sự kiện này. Không phải là những thước phim tư liệu về những cảnh chiến đấu, những hình ảnh bom rơi đạn nổ trong cuộc chiến, mà là cái nhìn toàn diện sau 40 năm đất nước thống nhất. Sài Gòn - TPHCM giờ thay đổi ra sao, được thể hiện cụ thể qua các địa danh như cầu Thị Nghè, kênh Nhiêu Lộc… Tôi chọn những nơi này vì là nơi đây, trước khi Sài Gòn được giải phóng vốn tồn tại nhiều tệ nạn xã hội, gắn với số phận con người lao động nghèo, nên mang tính đại diện hơn. Phải làm sao để thông qua tác phẩm điện ảnh này, thế hệ trẻ hiểu được sự đổi thay, phát triển của TPHCM sau 40 năm thống nhất.

NSND Lê Thi

Sau 40 năm, các nhân chứng lịch sử giờ ra sao là điều mà nhiều người quan tâm. Vì thế, chúng tôi đã gặp lại nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ông là người có khoảng 2.000 tấm bản đồ cổ, trong đó, hơn 200 tấm về Hoàng Sa - Trường Sa, để đề cập đến vấn đề mới là bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải đất nước khi nói về ngày đất nước thống nhất. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên Đô trưởng Sài Gòn và là tình báo của ta, cũng đánh giá sự kiện này một cách khách quan: Dân tộc ta là một. Đó chính là vấn đề hòa hợp dân tộc. Một nhân vật khác bổ sung cho tinh thần này là doanh nhân Nguyễn Lịnh Nhân Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hải Mã, vốn là “thuyền nhân” vượt biển ra nước ngoài, nay trở về Việt Nam lập công ty chuyên về robot trên biển tầm cỡ châu Á... Qua bộ phim dòng người ở khắp nơi đến Việt Nam làm ăn và du lịch, sẽ thấy được chính sách mở cửa, hội nhập của đất nước.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu - một chứng nhân lịch sử trong bộ phim 30-4 - Ngày thống nhất.

* Chiến tranh đã lùi xa 40 năm. Nhiều người cho rằng đó là một khoảng cách thích hợp để có thể nhìn lại cuộc chiến một cách rõ ràng hơn. Ông có đồng tình với điều đó?

* Phải lý giải cho khán giả hiểu rằng, sau chiến thắng 30-4 là chính sách hòa hợp dân tộc. Về việc xây dựng đất nước, mọi người Việt Nam phải chung tay vào. Đó là thông điệp mà bộ phim hướng đến và cũng là điều tâm đắc của tôi khi thực hiện tác phẩm này. Với khoảng thời gian 40 năm nhìn lại, với những vấn đề đặt ra và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, với việc nhìn lại sự kiện lịch sử của đất nước, bộ phim 30-4 - Ngày thống nhất nhằm phân tích tình hình quốc tế và những bài học chỉ đạo trong chiến tranh, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc dưới cái nhìn đa chiều, ý kiến của các chính khách và những nhà nghiên cứu lịch sử… để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần tập hợp sức mạnh toàn dân, nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ.

Độ lùi 40 năm giúp cho người làm phim có cái nhìn mạch lạc, rõ ràng hơn, toàn diện hơn nhưng cũng gây không ít khó khăn với chúng tôi, khi mà những nhân chứng quan trọng đã thưa vắng dần đi và phần lớn họ đều đã ở tuổi xưa nay hiếm.

* Đây có phải là khó khăn lớn của ê kíp làm phim?

* Có lẽ đây là khó khăn lớn nhất. 40 năm đã qua, những nhân chứng lịch sử nay người còn, người mất, có những người tuổi đã cao, có người đang nằm viện và phần lớn họ không đủ sức khỏe để có thể tường thuật chính xác từng chi tiết trong các chiến dịch mà họ đã tham gia. Vì vậy, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để lựa chọn, tìm hiểu từng nhân vật và cuối cùng đã chọn được những nhân chứng lịch sử tiêu biểu để đưa vào phim. Tôi lựa chọn Trung tướng - Anh hùng LLVT Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 2, vì là người đã chỉ huy đánh trận đầu tiên của Chiến dịch Hồ Chí Minh ở Thượng Đức, cách Đà Nẵng hơn 40km. Trung tướng Phạm Xuân Thệ cũng là một trong những người chứng kiến giây phút nội các Dương Văn Minh đầu hàng ngày 30-4-1975. Để có chiến thắng 30-4-1975, phải có Hội nghị Geneve, Hội nghị Paris. Vì thế, ông Hà Văn Lâu, một nhân chứng của Hội nghị Geneve và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Võ Văn Sung sẽ nói về những vấn đề xung quanh các sự kiện này

Có những nhân vật mà chúng tôi đã phải đi lại, thuyết phục nhiều lần mới có thể thực hiện được các cuộc phỏng vấn. Song chúng tôi đã nỗ lực để đem lại cho bộ phim những góc nhìn mới, những tư liệu chân thực nhất. Tôi cảm giác mình không làm bộ phim này sẽ mắc nợ nhân dân, nợ những nhân vật và những số phận.

VĨNH XUÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục