Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cả nước chỉ nên khai giảng trong một ngày

Ngày 12-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2014 - 2015 ở 6 điểm cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ.

(SGGP).- Ngày 12-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2014 - 2015 ở 6 điểm cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ.

Theo Bộ GD-ĐT, tổng số học sinh - sinh viên cả nước hiện nay là khoảng 22,21 triệu (tăng so với năm học trước 337.937 em). Trong đó có 4,42 triệu trẻ em mầm non (tăng 180.000 trẻ); 15,08 triệu học sinh phổ thông (tăng 180.000 học sinh), 0,35 triệu học sinh trung cấp chuyên nghiệp (giảm 72.000 học sinh) và 2,36 triệu sinh viên ĐH-CĐ (tăng 38.000 sinh viên). Tổng số giáo viên, giảng viên cả nước là 1,24 triệu (tăng so với năm học trước 14.383 giáo viên)...

Báo cáo tổng kết năm học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá, năm qua ngành giáo dục đã đạt được những mục tiêu đề ra. Trong đó có việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 bước đầu tạo chuyển biến nhận thức về đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực học sinh. Công tác xã hội hóa giáo dục cũng được chú trọng (đến năm 2014 - 2015, bên cạnh các trường công lập, cả nước đã thành lập được 2.410 trường mầm non, phổ thông ngoài công lập). Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã thực nghiệm môn ngoại ngữ trong giáo dục phổ thông ở 63 tỉnh, thành cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, bước đầu chuyển từ dạy và học ngôn ngữ sang dạy và học toàn diện kỹ năng giao tiếp. Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2015 được chuẩn bị chu đáo và được tổ chức theo đúng tinh thần đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân. Kết quả thi phản ánh trình độ người học, làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp xét tuyển sinh…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những việc mà ngành giáo dục đã làm được trong năm, nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm cần khắc phục. Phó Thủ tướng dẫn chứng, ông từng đi dự nhiều lễ khai giảng và thấy rằng, lịch khai giảng phải phụ thuộc vào lãnh đạo, các em học sinh dù nắng, mưa cũng phải đợi lãnh đạo đến rất vất vả. “Hãy làm thực sự vì học sinh. Nhất định không để các cháu nhỏ phải chịu nắng mưa, xếp hàng dưới cờ chờ các lãnh đạo đến, hay phải nghe những bài phát biểu mà các cháu có khi không hiểu gì”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Vì vậy, năm học 2015 - 2016 này, Phó Thủ tướng đề nghị cả nước nên chọn chỉ khai giảng trong một ngày, có thể là mùng 4 hoặc 5-9. “Lễ khai giảng chỉ cần những nghi lễ cần thiết như chào cờ, nếu được thì cả nước có thể cùng làm một lúc; đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn... Còn lại là phần hội cho học sinh. Tinh thần tất cả vì học sinh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm là xét tuyển ĐH-CĐ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT hết sức lắng nghe phản ánh của xã hội để có những điều chỉnh kịp thời. “Vấn đề nào vượt thẩm quyền của Bộ GD-ĐT hay cần sự phối hợp của các bộ, ngành khác thì Chính phủ luôn sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết, cốt sao học sinh được thuận lợi nhất”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Về những yếu kém của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng trong đó có vấn đề thiếu cơ sở vật chất, trường học ở nhiều địa phương. Dù trung ương đã có chương trình kiên cố hóa trường học, có đề án 36.000 tỷ đồng và đã chi vượt số tiền này nhưng vẫn chưa giải quyết được. Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ là phải cần đến trên 50.000 tỷ đồng nữa mới hoàn thành việc kiên cố hóa trường học và nhà công vụ cho giáo viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ chưa thể đảm bảo được yêu cầu lớn như vậy trong 5 năm tới. Vì vậy, ngành giáo dục cần tìm một phương án khả thi, nơi nào khó khăn nhất thì ưu tiên làm trước để bảo đảm đồng bộ với đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông. Về thực hiện Thông tư 30 (bỏ chấm điểm học sinh tiểu học), Phó Thủ tướng cho rằng đúng theo xu thế giáo dục hiện đại và cũng phù hợp với truyền thống. Dù còn nhiều trở ngại, khó khăn nhưng đó là biện pháp cần tạo sự đồng thuận để thực hiện.
 

Đưa võ cổ truyền vào chương trình giáo dục phổ thông

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến đồng ý việc triển khai từ năm học 2015 - 2016 các nội dung đã được Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT-DL thống nhất về tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và đưa võ cổ truyền Việt Nam vào chương trình giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông phù hợp với điều kiện thực tiễn các địa phương. Phát triển giáo dục toàn diện đối với học sinh phổ thông không thể thiếu vai trò của giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, trong đó việc duy trì đều đặn hoạt động tập thể dục, tập luyện các bài võ cổ truyền là hết sức cần thiết, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, có kỷ cương, nền nếp, ý thức trách nhiệm, phát huy tinh thần thượng võ của dân tộc. 


PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục