“Hiện nay, việc đẩy lùi sốt rét ở Việt Nam rất khó khăn, vì ký sinh trùng sốt rét P.falciparum kháng Artemisinin đang có nguy cơ lan rộng. Hơn nữa, chất lượng chẩn đoán và điều trị sốt rét tại tuyến cơ sở của nhiều địa phương chưa cao” - Đó là phát biểu của ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương.
Sốt rét là căn bệnh truyền nhiễm xuất hiện lâu đời nhất, gây nguy hiểm và đe dọa tới sức khỏe cộng đồng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016, thế giới có 445.000 người chết vì sốt rét; năm 2015, con số này là 438.000 người chết, trong đó, 78% là trẻ em dưới 5 tuổi. Ở khu vực Thái Bình Dương, tổng số ca mắc sốt rét năm 2016 đã tăng hơn 30% so với năm 2015, với khoảng 3,2 tỷ người, tương đương 1/2 dân số thế giới. Bệnh sốt rét hiện lưu hành tại 97 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung tại các quốc gia tại khu vực châu Phi, Tây Thái Bình Dương.
So với năm 2011, tỉ lệ mắc sốt rét trên 1.000 dân năm 2017 giảm 84,6%, số bệnh nhân số rét giảm 57,1%. Không có dịch sốt rét xảy ra, Việt Nam đã đạt được tất cả mục tiêu đề ra trong “Chiến lược Quốc gia Phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2011-2020”. Mỗi năm có hàng triệu người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng biện pháp phòng chống muỗi gây sốt rét, phun tồn lưu và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi và hàng chục nghìn bệnh nhân được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí.
Thượng tá Nguyễn Văn Thu, Phó Trưởng phòng Quân y BĐBP cho biết: “Hằng năm, tại các khu vực biên giới, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửa Long, lực lượng chức năng BĐBP thường xuyên phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân khu vực biên giới cách phòng, chống sốt rét và phun tồn lưu, tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi”. |
Tuy nhiên, nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại và gây dịch ở nhiều nơi, nhiều vùng ở nước ta vẫn còn cao. Nguyên nhân là do Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài côn trùng gây bệnh tồn tại và phát triển. Muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa do điều kiện sống khó khăn, người dân phải di chuyển rất xa mới tiếp cận được với dịch vụ và cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số đi làm nương, rẫy ở vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa, ngủ lại qua đêm thường ít khi sử dụng màn, vì thế nguy cơ mắc bệnh sốt rét càng cao hơn. Đặc biệt, bệnh sốt rét thường tập trung tại các tỉnh thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ như: Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Quảng Nam, Bình Phước...
Từ đầu năm 2008, ở tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng xuất hiện ký sinh trùng sốt rét P. falciparum kháng thuốc Artemisinin, đây là thách thức không nhỏ trong việc phòng, chống, loại trừ sốt rét đối với các quốc gia trong khu vực bao gồm Campuchia, một số vùng của Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam, tình trạng kháng thuốc Artemisinin xuất hiện ở các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước và đang có nguy cơ lan rộng sang các tỉnh khác trên phạm vi toàn quốc. Tại hội thảo “Tăng cường đầu tư giữ vững thành quả, hướng tới loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Tình trạng sốt rét kháng thuốc từ những người đi lao động từ Lào, Campuchia và một số nước châu Phi mang ký sinh trùng sốt rét về nước có xu hướng gia tăng. Tổng số 9.000 ca sốt rét mỗi năm ở nước ta thì có đến 50% là sốt rét ngoại lai”.
Cũng tại hội thảo, ông Trần Thanh Dương cho biết: “Khó khăn trong đẩy lùi sốt rét hiện nay ở Việt Nam là vấn đề ký sinh trùng sốt rét P.falciparum kháng Artemisinin đang có nguy cơ lan rộng. Chất lượng chẩn đoán và điều trị sốt rét tại tuyến cơ sở của nhiều địa phương ở nước ta chưa cao. Đặc biệt, những địa phương có bệnh sốt rét giảm thấp trong nhiều năm thì chính quyền lại chưa quan tâm đầu tư đúng mức. Hiện, kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế có nguy cơ sẽ bị cắt giảm, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét, dẫn đến có thể làm gia tăng cao số ca mắc và tử vong do sốt rét. Hiện, bệnh sốt rét ở nước ta đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó dự báo, đặc biệt tại các vùng sốt rét lưu hành vừa và lưu hành nặng”.