Phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em ở miền núi: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Quảng Ngãi đang tập trung thực hiện Đề án Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em ở miền núi, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế- xã hội ở vùng cao.
Trẻ em được khám sức khỏe tại thị trấn Trà Xuân
Trẻ em được khám sức khỏe tại thị trấn Trà Xuân

Cần thay đổi nhận thức

Hơn 1 tuổi, nhưng  bé Hồ Xuân Hương, ở thôn Trà Niêu, xã Trà Phong (Tây Trà) chỉ nặng hơn 4kg. Từ khi 1 tháng tuổi, Hương đã được cho ăn cơm nhai. Cách nuôi dưỡng thiếu khoa học là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bé bị SDD nặng. Còn bé Hồ Thị Lệ (2 tuổi), ở thôn Trà Niêu cũng bị SDD nặng. Bé sinh ra trong gia đình đông anh chị em, kinh tế gia đình khó khăn, nên bé Lệ không được bố mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo. Bé Lệ là 1 trong 5 trẻ em SDD nặng của xã.

Phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em ở miền núi: Cần nhiều giải pháp đồng bộ ảnh 1 Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của trẻ em nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng
 Chị Võ Thị Lệ Chi- cán bộ chuyên trách phòng, chống SDD xã Trà Phong cho biết, công tác phòng, chống SDD trẻ em của xã thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Đa số trẻ SDD chưa được cha mẹ quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ. Địa phương đã nhiều lần tổ chức các bữa ăn dinh dưỡng, cấp vi chất dinh dưỡng cho trẻ em, tuy nhiên về lâu dài cần phải thay đổi thói quen, nâng cao hiểu biết cho các bà mẹ trẻ có con nhỏ và phụ nữ mang thai.
Ngành y tế đã và đang phối hợp thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả phòng, chống SDD trẻ em dưới 5 tuổi các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Mục tiêu của đề án là giảm tỷ lệ SDD nhẹ cân trẻ em dưới 5 tuổi ở các huyện miền núi xuống 31,3% và thể thấp còi xuống còn 43,4% vào năm 2018.
Giám đốc Sở Y tế NGUYỄN TẤN ĐỨC
 Hiện nay, tỷ lệ trẻ em bị SDD thể cân nặng ở huyện Tây Trà chiếm 45%, thể thấp còi 50%. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Trà, bác sĩ Châu Nguyễn Thương cho biết: Ngoài cung cấp dinh dưỡng như sữa, vi chất dinh dưỡng, thực hành bữa ăn dinh dưỡng thuộc chương trình đề án phòng chống SDD, trung tâm còn tăng cường tư vấn theo nhóm, tại hộ gia đình theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để từng bước thay đổi nhận thức, giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và có con nhỏ biết cách nuôi con nhỏ, chăm sóc sức khỏe khi mang thai.


Thực hiện hiệu quả đề án phòng, chống SDD

Thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền và ngành chức năng trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống SDD ở trẻ em, nhất là ở khu vực miền núi. Mạng lưới chuyên trách phòng, chống SDD cho trẻ đã được phủ khắp các thôn, khu dân cư. Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống SDD ở trẻ em từ tỉnh đến xã được thành lập. Các địa phương đều có cộng tác viên thực hiện công tác phòng, chống SDD. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng.
Qua khảo sát của Sở Y tế, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân bình quân của 6 huyện miền núi năm 2017 là 32,2%; thể thấp còi là  44,1%. Nhiều địa phương như Tây Trà, Sơn Tây chiếm từ 40-50%. Tình trạng thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai và trẻ em ngày càng cao. Tỷ lệ SDD ở miền núi cao hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh trên 10%.

Phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em ở miền núi: Cần nhiều giải pháp đồng bộ ảnh 2 Trẻ em vùng cao thường chưa có chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trong năm 2018, hơn 2.470 bà mẹ mang thai ở vùng khó khăn không tăng cân sẽ được cấp các sản phẩm dinh dưỡng (viên sắt, đa vi chất...) để phòng ngừa SDD bào thai cho thai nhi. Ngoài ra, ngành y tế còn cấp thực phẩm điều trị ăn liền, thực phẩm bổ sung ăn liền để cung cấp và điều trị cho trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD nặng, phụ nữ mang thai ở các vùng khó khăn và vùng có tỷ lệ SDD thấp còi cao; triển khai cho trẻ dưới 5 tuổi uống vitamin A hai đợt trong năm. Ngoài ra, các địa phương miền núi cấp sữa miễn phí cho khoảng gần 19 nghìn trẻ SDD, sổ giun định kỳ cho trẻ, hướng dẫn thực hành các bữa ăn dinh dưỡng nhằm từng bước thay đổi tập quán, hủ tục và nâng cao kiến thức cho phụ nữ vùng cao trong việc nuôi con nhỏ, từng bước giảm tỷ lệ SDD trẻ em tại địa bàn miền núi.

Tin cùng chuyên mục