Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng, chống tham nhũng vừa kết thúc hoạt động theo quyết định của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân sau hơn 5 năm thành lập. Dù kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng…” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và các chỉ thị, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, song các thành viên trong Ban chỉ đạo TPHCM về phòng, chống tham nhũng cũng nhìn nhận thực tế với kết quả đạt được của hơn 5 năm qua là chưa như mong muốn.
Khó phát hiện tham nhũng
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo TPHCM về phòng, chống tham nhũng, trong những năm qua tuy đạt được một số kết quả, song tình hình tham nhũng trên địa bàn TPHCM vẫn phức tạp, phổ biến và nghiêm trọng; các hành vi tham nhũng tiềm ẩn, có tổ chức chặt chẽ khó phát hiện, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp, trong đó có cả cơ quan trung ương đóng trên địa bàn; đối tượng phạm tội ngoài cán bộ, nhân viên thừa hành nhiệm vụ còn có những người có chức vụ, quyền hạn cao như: chủ tịch UBND quận, phó giám đốc sở ngành, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp… Đáng chú ý là hầu hết hành vi tham nhũng được phát hiện từ đơn thư tố cáo, hoặc qua thanh tra, kiểm tra; cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị trực tiếp phát hiện hành vi tham nhũng còn rất ít…
Một thực tế khác được thấy rõ qua con số 1.763 cuộc thanh tra về kinh tế, xã hội và những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng được ngành thanh tra thực hiện tại 2.974 đơn vị trong 5 năm qua với giá trị tài sản phát hiện có sai phạm là 874 tỷ đồng và gần 500.000m2 nhà, đất, nhưng chỉ có 27 vụ việc xác định có hành vi tham nhũng chuyển cơ quan điều tra. Trong đó, nhiều vụ việc sau đó bị “chìm xuồng”, không đưa ra truy tố, xét xử được do không đủ cơ sở của tội danh tham nhũng.
Việc chủ động phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng cũng được cho là có những hạn chế, khó khăn nhất định. Các lĩnh vực được cho là nhạy cảm, “sờ đâu cũng có tham nhũng, tiêu cực” như: đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước; công tác thu chi ngân sách tại các quận huyện, sở ngành; việc quản lý tài chính tại các ban bồi thường giải phóng mặt bằng; quản lý, sử dụng đất đai, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, thuế, hải quan…, nhưng số vụ bị phát hiện và tài sản thất thoát thu hồi lại được rất thấp. Việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, thu nhập, luân chuyển cán bộ… được đánh giá làm khá chặt chẽ, nghiêm túc, song số vụ việc phát hiện ra hành vi sai trái, tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là những người nắm giữ các chức vụ lãnh đạo các cấp thì rất ít.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, cùng với việc ban hành các quy định quản lý, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thừa hành công vụ tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp đã thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, song tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong bộ máy vẫn còn rất nặng nề. Thực trạng này được cho là mấu chốt, nguyên căn phát sinh tham nhũng - trở thành một thứ tham nhũng vặt, lây lan mạnh trong xã hội và gây nhức nhối trong nhân dân…
Lưới nhỏ không bắt được cá to
Là người từng giữ các trọng trách trong bộ máy chống tham nhũng của TP và Trung ương trong nhiều năm và cũng có nhiều sáng kiến, giải pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ông Huỳnh Thiên Phúc, nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng, chống tham nhũng luôn trăn trở và có phần bất lực khi thấy tình hình tham nhũng những năm qua đã không được ngăn chặn, đẩy lùi. Ngoài vụ tiêu cực đất đai ở Hóc Môn, vụ Huỳnh Ngọc Sĩ được cho là tham nhũng lớn ở TPHCM bị phát hiện, những năm qua không có thêm vụ nào tương tự, trong khi hệ thống luật pháp, cơ quan, tổ chức và bộ máy phòng, chống tham nhũng ngày càng được hoàn thiện. Điều này không phải là tín hiệu vui có ý nghĩa chuyển biến từ nhận thức đến thực tiễn theo nguyên tắc “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không muốn tham nhũng” như cách nói của Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh.
Thời gian qua, tình hình chuyển nhượng đất đai, xây dựng trái phép tại nhiều địa bàn ở TPHCM lại bùng phát mạnh trở lại và có phần phức tạp, có tổ chức hơn những năm trước. Nguyên nhân chính được cho là do sự buông lỏng quản lý, sự tiếp tay của cán bộ có chức vụ, quyền hạn ở địa phương và sự tha hóa, làm ngơ, xử lý không nghiêm, thậm chí là tiêu cực của đội ngũ thanh tra xây dựng các cấp. Không khó khăn khi phát hiện, đấu tranh với tình trạng này, thế nhưng nhiều năm qua chỉ có 4 vụ thanh tra xây dựng ở phường 14 (quận 5), phường 14 (quận 8), một phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), một trưởng ấp của xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) bị phát hiện và xử lý về hành vi tham nhũng khi trực tiếp nhận tiền để bảo kê cho nhà xây dựng không phép…
Những năm qua, không thể phủ nhận vai trò và kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của bộ máy, tổ chức và các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng. Thế nhưng, kết quả của công tác này được cho là chưa như mong muốn, càng giúp chúng ta nhìn nhận một cách thẳng thắn hơn từ chính sách pháp luật, cơ chế, tổ chức, bộ máy và đội ngũ… vẫn còn những mặt hạn chế.
"Hành vi tham nhũng tiềm ẩn, khó phát hiện và dễ xảy ra khi công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra; cơ chế, chính sách sơ hở, chế độ chịu trách nhiệm không được phân định rõ ràng; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không vững vàng trước cám dỗ vật chất, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, trong cơ chế chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng…" Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân |
HOÀI NAM