- Thưa chị, mới đầu năm học mới, đã xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa. Sau những bê bối của một kỳ thi tốt nghiệp, lại đến những lúng túng về cơ sở vật chất, hoặc lo ngại tình trạng lạm thu. Có vẻ như sự chuẩn bị của ngành giáo dục luôn tạo ra lo ngại?
- Thiếu sách giáo khoa chỉ xảy ra ở vài khối lớp, và một ít địa phương, rồi sẽ sớm ổn. Cái thiếu lớn nhất hiện giờ, trong quan sát của một người quản lý giáo dục, chính là sự ngang tầm của đội ngũ giáo viên. Nhiều thầy cô vẫn còn tự cho rằng họ chính là chân lý, đã nói gì học trò cũng nhất định phải nghe theo. Nhiều giáo viên cứ sợ trứng khôn hơn vịt, không dám thừa nhận là có những chuyện học sinh hiểu biết hơn thầy cô.
- Đây là nhìn nhận can đảm. Như vậy, vai trò của thầy cô giáo phải là gì trong tầm nhìn mới?
- Giáo viên không thể chỉ là người truyền đạt kiến thức. Đứng trên bục giảng, họ phải là người tạo ra môi trường khích lệ học trò tìm tòi kiến thức, sáng tạo vượt qua lối mòn. Rất nhiều tri thức mới không có trong sách giáo khoa, nhưng sẽ tìm thấy trên internet. Nếu người giáo viên chỉ học thuộc lòng giáo án, họ sẽ nhanh chóng tụt xa so với chính học trò. Khi trò đặt câu hỏi hay mà thầy bí, cứ trung thực trả lời “Câu này thầy/cô không biết”! Không học để làm mới mình, chính thầy cô giáo sẽ cũ đi.