Phỏng vấn một quyển lịch

- Thưa anh, nhìn anh tháng này có vẻ xìu?

- Vâng, vì tháng hai luôn ngắn nhất trong năm. Mà nếu tết rơi vào tháng ngắn nhất, hẳn là áp lực lại tăng thêm. Cứ thế thì sao vui được?

- Nhưng dẫu sao anh cũng chỉ là lịch, tính từng ngày một, tại sao lại phải vui buồn?

- Con người nhìn lịch để biết thời gian, để làm việc và nghỉ ngơi. Nhưng nếu chuyện đó nhập nhằng thì sinh ra nhiều mệt mỏi.

- Hình như anh có… thành kiến? Vì năm nay nghỉ tết theo quy định cũng dài hơn nhiều năm trước? Cái đó là đúng chuẩn chứ?

- Đương nhiên là chuẩn. Nhưng vấn đề là thói thường, dù nghỉ tết đã dài, sau đó người ta còn thích nghỉ thêm. Bởi rất nhiều người vẫn thuộc câu “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Và cái vụ ăn chơi này oải lắm.

- Chẳng hạn là?

- Nhiều công chức vẫn kiên định với chuyện đi hội, đi chùa, đi chơi cho hết tháng giêng ta. Mà đã đi, phải có “dây” chứ chẳng mấy ai đi lẻ. Bởi vậy việc công không bằng việc tư.

- Còn gì nữa, thưa anh?

- Lắm người vẫn quen xài xe công cho chuyện riêng. Trong số những chuyện ấy, khiếp nhất là xài xe công để đi nhậu, bài bạc hoặc đi xem bói!

- Tóm lại theo anh tháng hai có bao nhiêu ngày?

- Tuần sát tết, người ta sẽ toàn lo nghỉ tết. Nghỉ xong, lại nắc nỏm cho những thứ “ăn chơi” vừa kể. Như vậy, tính thời gian làm việc, tháng hai giỏi lắm chỉ có… một tuần!

TƯ QUÉO

Tin cùng chuyên mục