- Dạ, không chỉ em mà cả gia đình, và bao nhiêu gia đình khác, là học xong có việc làm. Em không mong muốn rằng phải nói thiệt mà như giỡn về công việc kiếm cơm nếu như thất nghiệp. Chẳng hạn “làm cho công ty công nghệ nước ngoài, được đi đây đi đó” thực chất là chạy xe ôm công nghệ. Hoặc “đè đầu cưỡi cổ thiên hạ”, thực ra là làm thợ hớt tóc.
- Nhưng có chuyện đó, cũng là vì chất lượng đào tạo sinh viên còn xa mới đáp ứng được yêu cầu. Đa số cử nhân vẫn lóng ngóng trước những việc đơn giản.
- Dạ, cái này đúng boong. Chương trình đào tạo ở bậc đại học xứ mình lạc hậu xa so với thực tế. Sinh viên phải học nhiều môn toàn từ chương lý thuyết, tính ứng dụng kém. Kiến thức căn bản của lĩnh vực đào tạo cũng cũ kỹ, ít tính mới. Và nếu nhiều thầy đứng trên bục giảng cũng chủ yếu là mở giáo trình ra đọc cho sinh viên chép, thì e rằng mong có chất lượng cao chỉ là mơ ước.
- Nhưng cứ nói vòng quanh như thế thì gỡ vướng mắc bắt đầu từ đâu?
- Nhìn ở bậc phổ thông, bao nhiêu năm cải cách với thí điểm mà vẫn rối, dĩ nhiên đại học khó mà ngon. Nếu đào tạo không sát sườn với cuộc sống, bậc đại học sẽ vẫn học đại theo kiểu “lối cũ ta về”!