No ấm nhờ rổ, rá, sàng, nia…

Làng Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) nổi tiếng với nghề mây tre đan từ bao đời qua. Không như nhiều làng nghề truyền thống khác ở nước ta đang dần tàn lụi trước kinh tế thị trường, làng nghề mây tre đan Tăng Tiến lại có sức sống rất mãnh liệt, mỗi ngày một thịnh vượng, vươn xa và là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của làng nghề xứ Kinh Bắc.
No ấm nhờ rổ, rá, sàng, nia…

Làng Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) nổi tiếng với nghề mây tre đan từ bao đời qua. Không như nhiều làng nghề truyền thống khác ở nước ta đang dần tàn lụi trước kinh tế thị trường, làng nghề mây tre đan Tăng Tiến lại có sức sống rất mãnh liệt, mỗi ngày một thịnh vượng, vươn xa và là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của làng nghề xứ Kinh Bắc.

No ấm nhờ rổ, rá, sàng, nia… ảnh 1

Chợ phiên Phúc Tằng

Chợ phiên chỉ bán một mặt hàng

Buổi sớm, dạo một vòng quanh chợ quê Phúc Tằng, cảnh tượng tấp nập người bán, kẻ mua đua chen trong tiếng mời chào í ới, một cảnh tượng rất đỗi gần gũi, mộc mạc như bao phiên chợ quê khác ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Chỉ có điều khác lạ, ở đây nếu ai đó muốn tìm mua các vật dụng nào đó, ngoài sản phẩm mây tre đan là điều không thể. Nằm cách TP Bắc Giang khoảng 5km, chợ Phúc Tằng mỗi tháng họp 4 phiên vào các ngày mùng 1, 4, 6, 9 âm lịch. Đến chợ những ngày này, người mua có thể tha hồ tìm cho mình bất cứ vật dụng nào bằng mây tre đan, từ đồ dùng dân dã như thúng mủng, dần sàng, nong, nia, rổ, rá… cho đến các loại đồ mỹ nghệ như: giỏ đựng kim chỉ, lọ cắm hoa, quạt trang trí, mành tre cửa, lót dép, cây đèn gỗ, túi xách, lồng bàn… Ngày họp chợ, người dân bày bán đầy những gánh hàng cồng kềnh, chỗ này là quạt nan, rổ sề, rổ sảo, chỗ kia là cây tre, cây dùng để kín các lối đi; thương buôn từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh… cũng đổ về đây “ăn hàng”. Anh Thân Văn Đức, người làng, cho biết: “Chợ Phúc Tằng nổi tiếng nhất vùng này, người dân nhiều nơi tập trung về đây mua bán tấp nập. Từ trước đến bây giờ vẫn vậy, chợ chỉ bán những sản phẩm của làng nghề đan lát chứ không kèm theo thứ gì khác, nếu muốn mua sắm các vật dụng khác phải sang chợ kế bên. Phiên chợ nào tôi cũng chở hàng chục chiếc thúng, sề, rổ, rá ra bán. Chỉ sau vài giờ giao dịch chóng vánh, khi người mua đã chọn cho mình những sản phẩm ưng ý, người bán cũng hết hàng và ai nấy lại về nhà tiếp tục công việc đan lát chờ gom đủ số hàng dành cho phiên chợ sau”.

Người dân Tăng Tiến vốn dĩ đã giỏi nghề buôn bán, bởi vì đồng đất “chiêm khê mùa thối”, quanh năm vất vả với đồng áng cũng chẳng đủ cái ăn, cái mặc, cuộc sống cực nhọc nên từ xa xưa, lớp tiền nhân trong làng đã biết đến nghề buôn và nghề đan mây tre. Dân trong vùng vẫn truyền tụng rằng: Trước cửa đình làng có một bãi đất cao (bãi dài), biểu thị hình dáng chiếc đòn gánh và hai đầu có hai cái bị (như cái túi lớn). Đầu phía Tây chạy đến giếng Tây, đầu phía Đông chạy đến giếng Đông, vì thế người dân nơi đây rất giỏi nghề làm hàng xáo, buôn bán.

Phát huy nghề truyền thống

No ấm nhờ rổ, rá, sàng, nia… ảnh 2

Nghề đan lát giúp người dân khấm khá, no ấm hơn

Ngoài 90 tuổi nhưng cụ bà Thân Thị Dị tay vẫn thoăn thoắt đưa theo từng tấm nan tre mỏng manh, ngồi đan từng chiếc rổ, rá bên hiên nhà, cụ Dị kể: “Mới đầu học đan cũng khó nhưng sau dần quen và trở nên thành thục, có thể vừa đan vừa nói chuyện hay xem tivi mà vẫn không bị lỗi, mọi công đoạn từ mua cây dùng (một loại cây họ với cây trúc), chẻ nan, vót nan cho thật nhẵn, đan mê, đến tạo cạp, hun bồ hóng để bảo quản chống mối mọt… bắt buộc người thợ phải tuân thủ theo các quy trình. Tùy theo từng sản phẩm mà có cách tạo mê khác nhau theo phương pháp đan lóng mốt, lóng đôi và lóng ba”. Đến nay, gia đình cụ Dị gồm 4 thế hệ gồm con, cháu và chắt đều theo nghề đan lát này. “Công việc đan lát không vất vả lắm, vừa với sức già và trẻ, hơn nữa sản phẩm làm ra đến đâu được thương buôn thu mua hết đến đó, người già như tôi mỗi ngày cũng kiếm được cả trăm ng àn đồng. Làm nghề này vừa giữ được hồn cốt của quê hương vừa có thêm thu nhập”, cụ Dị bày tỏ.

Mấy chục năm trước đây, nghề đan lát ở làng Tăng Tiến chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các hộ gia đình quanh vùng qua những phiên chợ quê chứ chưa bán rộng rãi ra thị trường, nhưng hiện nay cả 5 thôn trong xã đều làm nghề này. Không kể người già, người trẻ; đàn bà, đàn ông, hễ sinh ra trên mảnh đất Tăng Tiến đều thành thục việc đan lát. Từ đôi tay gân guốc của các cụ già tóc bạc đến bàn tay “măng non” của trẻ thơ mới lên 5 - 6 tuổi đều lướt thoăn thoắt trên những nan tre mềm mại, để tạo thành chiếc rổ, rá, mành… hết sức điêu luyện và đẹp mắt. Biết bao thế hệ cứ trao truyền cho nhau nối tiếp và phát triển nghề đan lát này. Hiện có tới 70% số hộ trong xã với gần 6.000 lao động theo nghề. Mỗi tháng đem lại thu nhập trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/người. Giá trị kinh tế thu được từ hàng hóa trung bình mỗi năm từ 11 đến 13 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% - 55% tổng thu nhập và là nguồn thu chính của người dân địa phương. Sản phẩm với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú nên thị trường tiêu thụ ngày càng vươn xa khắp trong và ngoài tỉnh, ra thị trường các nước Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Campuchia, châu Âu… mang lại thu nhập cao cho người dân làng nghề nơi đây và góp một phần quan trọng để nhiều hộ gia đình ở Tăng Tiến vươn lên làm giàu.

Từ cuối năm 1999, HTX Mây tre đan Tăng Tiến được thành lập đã giải quyết nhu cầu việc làm cho hàng trăm lao động trong thôn kể cả trẻ nhỏ, người già, người khuyết tật đều có thể làm được.

 Nguyên liệu chủ yếu để đan lát là cây tre, cây dùng và cây mây. Cây tre, khi dùng phải chẻ thật mỏng, mịn, nuột, dài mà người dân địa phương vẫn gọi là tôm nhỏ, thịt lì. Đối với cây mây, người dân làng nghề Phúc Tằng thường chọn loại mây trồng ở vùng đồng bằng. Loại mây này có độ dẻo dai, mềm mại và khi sản phẩm hoàn thành sẽ tạo nên màu vàng, trắng được khách hàng ưa chuộng. Khi tạo mê xong, phải có vòng cạp thì người thợ mới bắt tay vào tạo sản phẩm. Tùy từng loại sản phẩm lòng sâu như (thúng, rổ, rá…) hay lòng nông như (nong, nia, mẹt…) mà có cách lên cạp khác nhau. 

Kim Sa

Tin cùng chuyên mục