
Tôi còn nhớ một vở kịch của Đài Truyền hình TPHCM chuyển thể từ kịch Nga như sau: Một thanh niên vào lầm nhà của người khác mà tưởng là nhà của mình nên đã gây ra những tình huống dở khóc, dở cười. Đây là hậu quả của việc xây dựng những thành phố “nhân bản” hoàn toàn giống nhau từ khu phố đến con đường, từ các dãy nhà đến từng căn hộ, vô hồn, không sức sống. Chúng tôi không muốn có những thành phố như vậy.

Phú Mỹ Hưng - một trong những khu đô thị sống tốt nhất Việt Nam.
Ảnh: C. THĂNG
Hiện nay đất nước ta đang xây dựng và đổi mới chắc chắn sẽ phải xây thêm nhiều thành phố để đáp ứng như cầu của người dân. Tôi xin có vài ý kiến như sau:
- Xây đô thị suy cho cùng là để phục vụ đời sống người dân vì vậy điều kiện tiên quyết là phải thăm dò ý kiến của người dân. Thực tế cho thấy có nhiều chung cư, nhiều khu chợ sau khi xây dựng xong không có người ở, bị hoang phế.
- Mỗi vùng của đất nước ta có tầng địa chất khác nhau, đặc biệt phong tục tập quán cũng rất khác nhau. Do vậy, việc xây dựng, thiết kế đô thị phải khác nhau để vừa phù hợp với phong tục của người dân vừa phù hợp với địa chất, khí hậu và tất nhiên tất cả phải hướng tới cái đẹp rất riêng của từng địa phương. Đừng đưa ra những kiến trúc giống hệt nhau như tình huống của vở kịch Nga kia.
- Và điều cuối cùng tôi muốn nói: Đô thị Việt Nam phải mang đậm bản sắc Việt Nam, để du khách đến Việt Nam không thể lẫn với một thành phố nào khác trên thế giới.
Hoàng Văn Thanh
(213 lô E chung cư Nguyễn Thiện Thuật, P1 Q3, TPHCM)