Phụ huynh sợ... tới trường

Chuông reo là... trốn
Phụ huynh sợ... tới trường

Nhiều phụ huynh quan niệm nếu có giấy mời, điện thoại đột xuất mời đến trường thì chắc chắn con mình vi phạm nội quy, học hành sa sút. Do đó, ngoại trừ những cuộc họp định kỳ đầu năm, giữa kỳ hay cuối kỳ theo thông lệ, còn khi nhận được cuộc gọi đột xuất hoặc giấy mời đến trường “làm việc” là phụ huynh tỏ ra lo lắng, thậm chí trốn tránh. Chính vì vậy mà mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh chỉ diễn ra một chiều từ phía nhà trường, do thiếu sự hợp tác chặt chẽ từ phía phụ huynh.

Minh họa: K.T

Minh họa: K.T

Chuông reo là... trốn

Giám thị một trường THPT ở quận Tân Bình tâm sự: “Nhiều phụ huynh khi nhận được điện thoại của phòng giám thị yêu cầu lên gặp là viện đủ lý do để tránh mặt, bảo có gì nhà trường cứ dạy dỗ cháu giùm, hoặc bắt cháu viết kiểm điểm, hạ đạo đức là xong. Về phía học sinh (HS), do sợ ba mẹ la mắng, đánh đập vì biết mình vi phạm nội quy nên đã nhờ người khác đóng vai phụ huynh đi họp thế”.

Chị Trần Thị Vân, phụ huynh HS lớp 6 Trường THCS Hậu Giang quận 11, chia sẻ: “Ngoài kỳ họp vào đầu năm, giữa kỳ và cuối kỳ, hai năm nay, có thêm sổ liên lạc điện tử, mọi thông tin, tự động nhà trường sẽ gửi qua tin nhắn cho tôi, nên cũng ít khi có sự trao đổi, gặp gỡ trực tiếp với giáo viên, nhà trường. Nếu nhận được thư mời hay điện thoại yêu cầu lên họp trực tiếp, chắc là con mình vi phạm lỗi gì rồi”.

Không riêng gì chị Vân, nhiều phụ huynh khác cứ nhận được điện thoại của giáo viên chủ nhiệm, thư mời của ban giám hiệu là tay chân rụng rời vì sợ con mình lại gây chuyện lớn. C.M.Toàn, HS lớp 11 Trường Đinh Thiện Lý, quận 7 tâm sự: “Có lần cả lớp hay nói chuyện trong giờ giáo viên giảng bài, lớp rớt hạng thi đua, giáo viên chủ nhiệm đã viết mail chung cho tất cả phụ huynh trong lớp nhưng ba mẹ em cứ nghĩ là mình em vi phạm nội quy nên bị giáo viên nhắc nhở”.

Để cầu nối được thông

Ở khía cạnh khác, chị Đ.N.Mỹ, phụ huynh học sinh lớp 8 Trường quốc tế Việt - Úc cho rằng: “Sở dĩ phụ huynh sợ đi họp là vì cách làm của nhà trường bấy lâu nay đã vô tình làm phụ huynh bị… ám ảnh. Nhiều phụ huynh sợ họp vì phải đóng tiền, con mình vi phạm nội quy... Trong khi đó, ở trường quốc tế, hàng tuần, nhà trường đều điện thoại báo đến từng phụ huynh về tình hình học tập của HS.

Một số trường còn chủ động tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu định kỳ với giáo viên, ban giám hiệu. Phụ huynh được quyền đối thoại, chủ động hỏi thêm thông tin, trao đổi thẳng thắn với nhà trường về giáo viên, chương trình học… Nhờ đó mà mối quan hệ giữa nhà trường càng thêm thắt chặt”.

Chị Trần Thị Lan Hương, phụ huynh một HS Trường quốc tế Á Châu so sánh: Con học ở trường Việt Nam, khi nhận được thư mời phụ huynh lên trường gặp giáo viên, chắc chắn đó sẽ là tin không vui. Khi cho con chuyển qua trường quốc tế, tôi thấy cách họ mời phụ huynh cũng khác. Bất kể là chuyện vui hay buồn, tất cả chuyện học hành, vui chơi, khả năng giao tiếp của bé, nhà trường đều trình bày hết cho phụ huynh tường tận. Đặc biệt khi phát hiện trẻ có năng khiếu hay giỏi môn nào, giáo viên đều góp ý thêm cho phụ huynh. Do đó, mỗi khi nhận được tin của nhà trường, tôi mừng hơn là lo lắng.

Hai năm gần đây, ở bậc tiểu học, các trường cũng bắt đầu tiến hành liên lạc thường xuyên với phụ huynh hơn qua sổ liên lạc điện tử. Với phương thức này, phụ huynh đăng ký nhận thông tin liên quan đến việc học, sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày của con tại trường, kết quả học tập, hạnh kiểm, thói quen, hành vi của HS... và các thông báo khác của trường định kỳ ngày, tuần, tháng.

Không chỉ nhận thông tin từ trường về nhà, phụ huynh chủ động chờ tin nhắn mà còn có số điện thoại nóng để khi cần thiết phụ huynh có thể hỏi và được giải đáp ngay tình trạng con mình ở trường. Tuy nhiên để mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh ngày càng gắn bó thì việc liên lạc qua thư điện tử dường như vẫn chưa đủ.

Nguyễn Thủy

Tin cùng chuyên mục