Ngày 21-10, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng (ĐH-CĐ) ngoài công lập đã tổ chức cuộc họp góp ý đổi mới công tác tuyển sinh. Diễn ra trong bối cảnh nhiều trường ngoài công lập kết thúc một mùa tuyển sinh “cay đắng” vì không tuyển đủ chỉ tiêu, dù đã tung nhiều chiêu gây sốc, cộng với việc tỉnh Nam Định vừa quyết định không tuyển công chức đối với sinh viên dân lập đã khiến hội thảo thu hút được sự quan tâm của đông đảo báo giới cũng như các trường.
Thay đổi “3 chung”, thêm “1 riêng”
Với quan điểm thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo phương án “3 chung” (thi ĐH-CĐ chung đợt, chung đề, chung kết quả) hiện nay đã lạc hậu, Hiệp hội đề xuất Bộ GD-ĐT thay đổi cách thức tuyển sinh theo hướng kiểm tra, thi để bảo đảm chất lượng dạy và học cả phổ thông lẫn đại học. Cụ thể, cần triển khai đề án “Đánh giá trình độ học vấn phổ thông để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đào tạo sau THPT” do chính Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT đã đưa ra từ năm 2008.
Một cách cụ thể hơn, hiệp hội đề xuất phương án “3 chung” và “1 riêng”. “3 chung” bao gồm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chung đề; chung đợt; chung điểm sàn tốt nghiệp. Ngoài “3 chung” này cần thực hiện “1 riêng” cho tuyển sinh ĐH-CĐ sau THPT, căn cứ vào chỉ tiêu được giao, kết quả của các bài thi chung, chính sách chung về cộng điểm cho vùng miền. Cơ sở đào tạo sẽ tự xây dựng điểm chuẩn để tuyển sinh chung hay cho từng ngành. Mỗi môn thi trong số 5 môn thi tốt nghiệp sẽ có một hệ số điểm khác nhau tùy từng lĩnh vực đào tạo của trường. Những trường tốp trên có đông thí sinh đăng ký có thể tổ chức thi tuyển để tuyển chọn thí sinh trong số những thí sinh đã tốt nghiệp THPT, còn những trường khác có thể xét tuyển.
Hiệp hội cho rằng, với phương án “3 chung”, “1 riêng” này có thể bảo đảm một thang đo trình độ học vấn THPT quốc gia tối thiểu có tính đến các yếu tố vùng miền, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục THPT, bảo đảm không có xáo trộn về phân ban. Đồng thời, cũng bảo đảm công bằng về cơ hội, khách quan về đánh giá trình độ học vấn trong tuyển chọn cho giáo dục - đào tạo sau trung học, giảm thiểu tiêu cực.
Khả thi, tiết kiệm và không gây xáo trộn
Đại đa số các trường ngoài công lập ủng hộ phương án đổi mới tuyển sinh mà hiệp hội đã phác thảo và đề nghị bộ cần bàn thảo để thực hiện ngay từ năm sau. GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cũng cho rằng, nếu tốt nghiệp THPT mà lấy điểm được vào ĐH là tốt nhất, điều đó cũng sẽ khuyến khích các trường phổ thông thúc đẩy chất lượng giảng dạy. Những trường ĐH tốp trên cũng hoàn toàn có thể tổ chức thi tuyển”.
Tuy nhiên, không phải không có những ý kiến lo ngại phương án này sẽ đổ bể. Vì thực tế, Bộ GD-ĐT cũng đã từng làm xôn xao dư luận một thời gian dài với đề án tuyển sinh “2 trong 1”, tức là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và sử dụng kết quả đó để xét tuyển ĐH-CĐ. Dư luận đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về đề án này của bộ, trong đó rất nhiều ý kiến cho rằng nếu cần bỏ thi thì bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn không thể bỏ thi ĐH-CĐ vì đó mới là kỳ thi thực sự nghiêm túc, đánh giá đúng trình độ thí sinh.
“Hiện nay thi tốt nghiệp tốn bao nhiêu tiền của nhưng lại không sử dụng kết quả đó mà cơ bản chỉ là một điều kiện để dự thi ĐH. Bây giờ chỉ cần làm tốt kỳ thi đó để xét tuyển ĐH, thí sinh cả nước sẽ đỡ khổ, tiết kiệm được nhiều tiền của. Và đặc biệt phương án này có thể làm ngay mà không gây xáo trộn”, ông Trần Hữu Nghị nói thêm.
Vừa qua, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập dự kiến đề xuất Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian tuyển sinh cho các trường dân lập đến tháng 12-2011 để có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng theo nhiều trường, thậm chí có kéo dài thời gian xét tuyển thêm 1 năm nữa thì cũng không tuyển đủ vì đã hết nguồn tuyển (chỉ còn thí sinh dưới sàn). Năm nay không chỉ dân lập mà ngoài công lập cũng thiếu chỉ tiêu, nhiều trường cho rằng đây là một phần trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và bộ phải xem xét, kiểm điểm. |
PHAN THẢO