Từ hơn 1 tháng nay, qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc là người hưu trí rất quan tâm phương án chuyển thanh toán lương hưu từ UBND phường - xã sang bưu điện, đã nêu thắc mắc về tính hợp lý và lo ngại gặp nhiều phiền toái hơn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Thị Nga, Giám đốc Bưu điện TPHCM, về vấn đề này.
* Phóng viên: Bà có thể cho biết chủ trương đưa việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH từ UBND phường - xã sang cho hệ thống bưu điện, xuất phát từ đâu?
* Bà ĐẶNG THỊ NGA: Kinh nghiệm cải cách hành chính ở một số nước là xã hội hóa lĩnh vực hành chính công, chuyển cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp… làm những công việc dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Nghị quyết 30C/NQ-CP của Thủ tướng về chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 cũng nêu rõ trọng tâm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công. Trong Quyết định 1746/QĐ-TTg, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cần nâng cao mạng lưới bưu chính công cộng tham gia các dịch vụ công của nhà nước.
* Các bước đi cụ thể để mạng lưới bưu chính công cộng tham gia chi trả lương hưu và BHXH?
* Hiện nay nước ta có khoảng 2,9 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, tổng số tiền chi trả hàng năm lên đến gần 100.000 tỷ đồng. Thiết lập một phương thức chi trả chuyên nghiệp, an toàn luôn là vấn đề quan tâm của BHXH Việt Nam trong thời gian qua. Tháng 4-2011, Hội đồng Quản lý Quỹ BHXH đã tìm kiếm một đơn vị có đủ năng lực đảm đương việc chi trả lương hưu và BHXH thay thế hệ thống trả lương cũ tại các phường - xã. Có 4 tổ chức đăng ký tham gia là Bưu điện Việt Nam, Viettel, Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua thẩm định chỉ có Ngân hàng NN-PTNT và Bưu điện Việt Nam đạt yêu cầu, được chọn làm thí điểm tại 5 tỉnh Bạc Liêu, Lâm Đồng, Bắc Kạn, Đắk Nông, Phú Yên từ tháng 9-2011. Sau thời gian thí điểm, chỉ còn Bưu điện Việt Nam tham gia và đạt kết quả khả quan.
Với tinh thần thận trọng, BHXH Việt Nam tiếp tục yêu cầu Bưu điện Việt Nam thí điểm tiếp tục tại 8 tỉnh - thành khác từ tháng 4-2012. Đến tháng 11-2012, tại hội nghị tổng kết công tác thí điểm chi trả lương và trợ cấp BHXH qua bưu điện, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành đã nhất trí đánh giá công tác chi trả này của Bưu điện Việt Nam đạt kết quả khả quan. Sau đó, Bộ Tài chính và Bộ LĐTB-XH đã có tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị thực hiện chủ trương chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua hệ thống bưu điện. Ngày 17-4-2013, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Thủ tướng đồng ý để BHXH Việt Nam thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua bưu điện từ năm 2013 trên toàn quốc. Thực hiện chỉ đạo này, đến tháng 8-2013, trên toàn quốc đã có 43 tỉnh - thành tham gia công tác chi trả qua bưu điện.
* Tại TPHCM, việc chi trả lương hưu qua bưu điện sẽ thực hiện theo lộ trình như thế nào?
* Trong tháng 5, Bưu điện TPHCM đã tiến hành khảo sát hiện trạng chi trả tại 322 phường - xã để xây dựng phương án chi trả, trình BHXH và Bưu điện Việt Nam phê duyệt ngày 1-7-2013. Theo đó, dự kiến giai đoạn 1 Bưu điện TPHCM sẽ chi trả lương hưu cho các đối tượng hưởng BHXH ở 7 quận - huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Tân và quận 12. Sau đó sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 cho 17 quận còn lại. Ngày thực hiện cụ thể sẽ chờ UBND TPHCM phê duyệt.
* Nhiều cán bộ hưu trí và cả cán bộ chính quyền phường - xã tại TPHCM nêu ý kiến lo ngại việc chi trả theo phương thức mới sẽ không tốt hơn cách chi trả qua chính quyền phường - xã. Ví dụ như lo ngại phải đến bưu cục xa, thủ tục phiền hà, khó khăn cho người cao tuổi, gây xáo trộn… Trong khi đó phương thức chi trả cũ vẫn hiệu quả?
* Lâu nay, Bưu điện TPHCM là đơn vị chủ lực trong việc thực hiện các dịch vụ bưu chính trên địa bàn TPHCM. Hiện nay, bưu điện đã có nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân như thu hộ tiền điện, nước, Internet, điện thoại di động, ngân hàng, bảo hiểm; phát CMND, hộ chiếu, hồ sơ tư pháp, hồ sơ hành chính, giấy chứng nhận đăng ký xe tại nhà… Qua đó, chứng tỏ năng lực, kinh nghiệm của hệ thống bưu điện đủ sức đảm đương việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH.
Nguyên tắc thực hiện phương thức chi trả của bưu điện là sẽ tốt hơn phương thức chi trả cũ, phục vụ tốt cho người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH. Để hạn chế đến mức thấp nhất sự xáo trộn trong những tháng đầu thực hiện, những điểm chi trả sẽ giữ nguyên để người dân quen dần. Khi di dời về điểm mới sẽ đảm bảo không xa hơn các điểm chi trả cũ, khoảng cách tối đa là 2km. Đội ngũ làm công tác chi trả có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, kinh nghiệm, ứng xử tốt; chi trả kịp thời, đúng thời gian quy định cho người thụ hưởng.
Ai muốn sử dụng thẻ ATM thì vẫn được tiếp tục sử dụng thẻ. Thậm chí, cán bộ về hưu đăng ký hộ khẩu ở quận này, nhưng về ở nơi khác, muốn nhận tại nơi ở mới, chúng tôi vẫn chi trả tại nơi ở mới, không buộc họ phải về nơi đăng ký hộ khẩu để nhận. Nếu ai muốn gửi vào tiết kiệm hoặc phát tiền tại nhà, chúng tôi sẵn sàng thực hiện các dịch vụ trên. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ luôn phối hợp và lắng nghe các góp ý từ các cán bộ về hưu, chính quyền địa phương để thực hiện công tác này tốt hơn.
QUỐC ANH