Hậu mùa bóng 2007

Kỳ 1: Vẽ lại bản đồ bóng đá ?

Thể Công, Hải Phòng thăng hạng. Hòa Phát trụ hạng thành công, chỉ trong vòng vài ngày, bóng đá phía Bắc tăng số lượng ồ ạt cho mùa giải V-League năm tới. Trong khi đó, bóng đá đồng bằng sông Cửu Long gần như mất trắng sau khi Đồng Tháp tụt hạng, còn An Giang không qua được trận play-off. Bóng đá miền Trung không còn Huế, nhưng không đến nỗi thê thảm như bóng đá miền Tây. Bản đồ bóng đá Việt Nam có vẻ như sẽ được vẽ lại.

Thể Công, Hải Phòng thăng hạng. Hòa Phát trụ hạng thành công, chỉ trong vòng vài ngày, bóng đá phía Bắc tăng số lượng ồ ạt cho mùa giải V-League năm tới. Trong khi đó, bóng đá đồng bằng sông Cửu Long gần như mất trắng sau khi Đồng Tháp tụt hạng, còn An Giang không qua được trận play-off. Bóng đá miền Trung không còn Huế, nhưng không đến nỗi thê thảm như bóng đá miền Tây. Bản đồ bóng đá Việt Nam có vẻ như sẽ được vẽ lại.

Kỳ 1: Vẽ lại bản đồ bóng đá ? ảnh 1

Thể Công (bên trái) và Hải Phòng thăng hạng làm tăng thêm số lượng các đội phía Bắc ở V- League 2008, nhưng cũng đặt ra vấn đề khác: sẽ thiếu hụt cầu thủ giỏi. Ảnh : Quang minh

Sang năm, khi Thể Công chơi tại V-League là tròn 10 năm kể từ sau chức vô địch cuối cùng của đội bóng giàu thành tích nhất Việt Nam. Nếu tính về địa lý của nơi đóng quân thì Thể Công là đội bóng phía Bắc, và trong vòng hơn 20 năm qua, bóng đá phía Bắc chỉ đóng góp mỗi mình Thể Công cho cuộc đua tranh đến danh vị cao nhất của bóng đá Việt Nam. Làng cầu phía Bắc nổi tiếng một thời, là nơi tồn tại nhiều trường phái chiến thuật nhất lại là khu vực ít danh hiệu nhất.
 
Còn xét riêng về V-League thì danh hiệu vô địch hoàn toàn chuyển dời vào Nam. Năm mùa giải gần đây, các đại gia như: HA.GL, ĐT.LA, Bình Dương mặc tình làm mưa làm gió. Đội bóng thuộc địa lý là miền Trung, nhưng vẫn được “tính” cho bóng đá phía Bắc là SLNA cũng đang lụi tàn. Bản đồ bóng đá Việt Nam tưởng chừng chỉ là chuyện nội bộ của một số CLB từ Nam miền Trung đổ vào.
 
Vì vậy, khi Thể Công trở lại, nhiều người tin rằng ngày huy hoàng của bóng đá phía Bắc sắp đến. Tính đến thời điểm này, nhóm các đội bóng chuyên nghiệp được xem là khu vực phía Bắc đã tăng lên ồ ạt: Thể Công, Hòa Phát HN, Hà Nội ACB, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, SLNA. Chưa hết, ở giải hạng Nhất hiện đang có thêm Than Quảng Ninh và Vanakansai Ninh Bình cũng đủ thực lực để thăng hạng. Với sức mạnh đông đảo ấy, còn lúc nào tốt hơn để vẽ lại bản đồ quyền lực.
 
 ***
 
Tất nhiên, việc ấy không dễ. Các đội bóng phía Nam tuy ít, nhưng đều là những “đại gia” và đặc biệt, họ đều có nền tảng ổn định. HA.GL, ĐT.LA và Bình Dương không hề thiếu tiền, họ cũng đã kịp hình thành hệ thống CLB chuyên nghiệp tương đối chuẩn. Điều đó bảo đảm cho năng lực trụ vững trong tốp đầu V-League nhiều năm nữa. Thép-Cảng dù chưa có được hình ảnh của Cảng Sài Gòn ngày nào, nhưng ai dám bảo rằng họ thiếu tiền, thiếu quyết tâm. Sự xuống hạng của Huế không làm ảnh hưởng đến nhóm miền Trung khi trục Đà Nẵng - Bình Định - Khánh Hòa cũng đã sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp, hơn nữa, họ đều là những đội có tiềm lực.
 
Chỉ có bóng đá miền Tây là “mồ côi”. 12 tỉnh đồng bằng (nếu trừ ĐT.LA ra) đều vẫn đang là vùng trắng. Bi thảm hơn, nền bóng đá này chưa thấy có bất cứ dấu hiệu hồi sinh nào khi khó khăn về ngân sách cứ níu lấy chân họ, trong khi cái nền bóng đá trẻ cũng không thực sự tốt. Phải 5 năm nữa mới hy vọng khu vực bóng đá này trở lại như một đối trọng với các vùng miền còn lại.
Vậy là cuộc chơi V-League trong vài ba năm nữa sẽ là sự đối chọi giữa lực lượng đông đảo phía Bắc, nhóm ngang tàng miền Trung và các đại gia phía Nam.
 
 ***
 
Thế nhưng, sự đông đảo của bóng đá phía Bắc chưa bảo đảm sự thành công của họ. Trong một vùng địa lý chật hẹp, có quá nhiều đội bóng cùng tham vọng thì không hẳn là chuyện đáng mừng.
 
Vấn đề là chỉ phân nửa số lượng ấy thực sự có tiềm lực về nhân sự. Tiền không thiếu, nhưng lấy cầu thủ ở đâu ra mà tìm kiếm vinh quang? Chiến lược “đi tắt đón đầu” tung tiền tấn ra mua ngôi sao không còn hợp thời, hơn nữa, cỡ như đội hạng nhất Ninh Bình mà thâu tóm một loạt ngôi sao của Nghệ An thì còn đâu cầu thủ cung cấp cho các đội V-League?
 
SLNA tưởng rằng dồi dào cầu thủ, thế mà sau vụ tiêu cực rồi theo một loạt hợp đồng hết thời hạn, giờ không còn được xem là đội mạnh nữa rồi! Thanh Hóa cũng chỉ có vài cái tên như Tiến Thành, Xuân Hợp chứ có ai nữa đâu. Thể Công nếu không có cầu thủ ngoại thì chắc gì đã lên hạng. Quân của Hòa Phát thì cũng từ SLNA mà ra thôi, thế mà vẫn phải “chia sẻ” với người anh em HN.ACB. Còn cỡ như Hải Phòng thì đúng là “tắc tị”. Nội lực không có, đã thế, chưa có nguồn tài chính đỡ đầu thì chắc mùa tới khó trụ hạng nổi. Duy nhất Nam Định là còn quân, nhưng nghe đâu cũng có nhiều đội trong Nam nhăm nhe “rút ruột”...
 
Có một điều nên chú ý: cầu thủ ngoài Bắc vào Nam chơi bóng thì nhiều chứ không hề có chuyện ngược lại. Thế Anh, Xuân Thành, Trung Kiên, Minh Đức, Như Thành, Hồng Minh, Lương Phúc … là nhóm cầu thủ đã Nam tiến. Sắp đến, còn vài cái tên khác nữa, thế thì bóng đá phía Bắc biết kiếm quân đâu ra để vẽ lại tên trên bản đồ bóng đá.
 
Học tập các “đại gia” phía Nam, bóng đá phía Bắc đã chịu chi tiền nhưng bài học của Hòa Phát hay HN.ACB còn nóng hổi. Mặt khác, tung nhiều tiền ra chưa chắc đã thắng người… tung nhiều tiền hơn. Các đội như: HA.GL, Bình Dương, ĐT.LA có bao giờ để cầu thủ của họ ra đi vì thiếu tiền bao giờ. Các đội ấy đang nắm phần lớn cầu thủ giỏi thì lấy đâu cơ hội cho những “đại gia” mới nổi của phía Bắc.
 
Vậy là việc Ninh Bình dùng tiền tỷ mua một loạt ngôi sao SLNA té ra là cú chơi quá nổi. Nó làm không ít đại gia phía Bắc nóng mặt không phải vì số tiền quá lớn, mà vì không biết còn ai để mua về tăng cường lực lượng. Vì vậy, Hòa Phát cỡ nào cũng phải giữ rịt Văn Vinh chứ không trả về SLNA…
 
Câu chuyện vẽ lại bản đồ bóng đá xem chừng còn lắm hồi hay trong năm tới khi bóng đá phía Bắc chưa kịp hợp sức nhau để thay đổi cán cân quyền lực thì đã phải “đấu” lẫn nhau, thế mới khổ.


 Hồ Việt


 Kỳ 2: CÁC ĐẠI GIA PHÍA NAM ĐÃ SẴN SÀNG ?

Tin cùng chuyên mục