Thời của những liên minh

Kỳ 1: Đòn hội đồng

Những liên minh điểm số có phải là một dạng tiêu cực hay không? Vấn đề đó thuộc về định nghĩa mà BTC mới có quyền đưa ra, và trên cơ sở đó, cơ quan an ninh mới có thể điều tra. Người ta có thể kết tội một cầu thủ thi đấu thiếu tích cực, kết luận một trận đấu lừa dối khán giả, hoặc đưa ra tòa một ông trọng tài chứ thật khó để xác định một đội bóng có tiêu cực nếu như họ đưa ra sân một đội hình dự bị, cố tình xếp sai đội hình để... chịu thua.

Đấy chính là cách để các liên minh hoạt động và phớt lờ những soi xét của công luận.

Kỳ 1: Đòn hội đồng ảnh 1

Có lẽ với những đòn hội đồng mà đến giờ đội bóng xứ Huế vẫn chưa thể gương dậy nổi...

“Đòn hội đồng” là thứ luật ngầm trong làng túc cầu Việt Nam. Hiểu nôm na, nếu đội bóng nào bị rơi vào đòn hội đồng, nghĩa là sẽ bị một nhóm các đội bóng “vây đánh” đến mức không còn cơ hội làm được gì cả. Đội bóng bị điểm mặt sẽ đối diện với khoảng gần 10 trận đấu suốt mùa giải mà ở đó, họ phải thi đấu với các đối thủ luôn đưa ra sân đội hình mạnh nhất, chơi quyết liệt đến mức thô bạo, và sẵn sàng “nhờ vả” cả trọng tài để “hại” đội bóng nằm ngoài luật chơi. Đấy là cách các liên minh lên tiếng cảnh báo những ai còn nằm “bên lề”, hoặc những đội từng có trong liên minh nhưng dám phá luật.

Câu chuyện của Thừa Thiên Huế năm 1996 là một minh chứng hùng hồn nhất. Năm 1995, Huế đã “dám” phá bỏ liên minh để không phải đi play-off. Họ là bất ngờ lớn nhất của mùa giải ấy khi từ một đội bóng có thể phải xuống hạng, bỗng lọt vào vòng 2 và sau đó đi một lèo vào trận chung kết trước khi chịu thua Công an TPHCM. Năm 1995, người hâm mộ của Huế sống trong lễ hội, nhưng đến năm 1996, họ gần như không ngóc đầu lên nổi: Đá 13 trận, Huế không thắng được trận nào và xuống hạng đến mấy năm sau mới trở lại được. Nhưng phải nói là từ khi đó đến nay, bóng đá Huế gần như biến mất trên bản đồ Việt Nam. Họ không còn bạn bè gì nữa đến mức phải đổi thân đổi phận tìm mối quan hệ tận ở phía Bắc.

Năm mà Huế dám phá luật, Huế đâu biết rằng vì hành động của mình mà nhiều đội bóng tên tuổi đã phải “lên bờ xuống ruộng”. Năm đó, vì Huế không đi đá play-off theo kịch bản mới có chuyện 5 đội đòi tẩy chay vòng chung kết ngược. 5 đội bóng đó toàn những “đại gia” hồi ấy là Quảng Nam-Đà Nẵng, Bình Định, Long An, Sông Bé, Thể Công. Đội bóng quân đội sau đó có lệnh bắt phải đá trận thủ tục với Hải Quan nên trụ hạng. 4 đội bóng còn lại kể từ đó lận đận ghê gớm. Long An biến mất cho đến ngày được Gạch Đồng Tâm tiếp nhận. Sông Bé trôi nổi cho đến lúc tách tỉnh, đổi tên thành Bình Dương và từ đó mới kịp ngẩng mặt với đời. Đà Nẵng cũng không còn là chính mình kể từ ấy. Bình Định thì có đỡ hơn một chút, nhưng cả 5 đội đều “giận” Huế. Chưa biết nỗi oán hận đó có còn đến lúc này hay không?!

Ngay như GĐT.LA, hồi năm 2004 đã bị “dính” đòn hội đồng đến mức tưởng chừng phải xuống hạng. Họ bị “tấn công” suốt cả lượt đi, có lúc chẳng còn trụ cột nào đủ thể lực ra sân. Các cầu thủ GĐT.LA hết bị chấn thương thì bị dính thẻ, và phải nhờ cú nước rút cuối mùa bóng mới kịp lên hạng 3 chung cuộc.

Nhờ trải qua mùa bóng kinh hoàng ấy mà GĐT.LA khôn ngoan hơn và một năm sau đó giành chức vô địch. Dân trong giới làm bóng đá đánh giá rất cao sự thân thiện của GĐT.LA với giới truyền thông mà nhờ đó, Gạch không bị lĩnh đòn hội đồng lần nữa. Ngay cả khi được dư luận ủng hộ như vậy, mà ông thầy Calisto đôi lúc cũng phải ngạc nhiên: “Tôi không hiểu tại sao các đội bóng dù yếu hay dù mạnh đều thi đấu với chúng tôi bằng một thái độ quyết liệt ghê gớm. Họ chơi bóng hoàn toàn khác với các trận đấu mà chúng tôi từng xem họ đá. Ai cũng muốn đánh bại GĐT.LA”.

Không ai được quyền tuyên bố

Ở Việt Nam, muốn ăn ngon, ngủ yên thì chớ vội tuyên bố thắng mọi trận đấu. Tuyên bố vô địch thì còn được, chứ nói mình không nhân nhượng ai thì đúng là không... nể mặt nhau.

Kỳ 1: Đòn hội đồng ảnh 2

... Cũng như Bình Dương tưởng chạm tay đến chức vô địch năm 2006, nhưng phải ngã ngựa vào giờ chót.

Bài học của Bình Dương mùa 2005 là ví dụ rõ ràng nhất. Vì câu lỡ lời của ông Vương Tiến Dũng mà Bình Dương bị “vây” đến tối tăm mặt mũi. Từ một đội nhiều khả năng vô địch nhất, Bình Dương tụt dốc thảm hại vì đụng toàn những trận “chung kết”. Nên có mạnh đến mấy, Bình Dương cũng không thể chịu nổi.

Năm 2005, Vạn Hoa Hải Phòng có ý tưởng thực hiện bóng đá sạch. Họ tuyên bố sẽ đá “chung kết” hết toàn giải, nhưng sau đó là suýt nữa rớt hạng. Sang năm kế tiếp, họ bị đánh xuống hạng Nhất và cái mơ tưởng “bóng đá sạch” nhanh chóng bị xóa sổ.

Ngay như Hòa Phát hay HN.ACB mùa này cũng thế. Hai đại diện bóng đá thủ đô hào hứng tuyên bố sẽ lọt vào tốp 3 và bây giờ thì như đã biết, lận đận đến giờ cuối chưa biết có phải đi play-off hay không.

Đòn hội đồng được lập ra là để thể hiện cái quyền uy của các liên minh. Các liên minh này được lập ra không phải là để tìm điểm cho chức vô địch mà chủ yếu là để trụ hạng. Các đội bóng gia nhập liên minh cần biết tuân thủ luật lệ, biết điều vay-trả cho đúng. Những liên minh này biết cách điều phối điểm số hợp lý để giữ khoảng cách an toàn và vì vậy, khi có một đội bóng nào đó tuyên bố sẽ sẵn sàng đánh bại họ thì các liên minh sẽ tung ra đòn hội đồng. Một mặt, họ giữ sức cho nhau bằng các trận đấu của đội hình dự bị, một mặt tung hết lực đá cho tan nát đối thủ. Trong bối cảnh mà cầu thủ Việt Nam thì thiếu, cầu thủ ngoại bị hạn chế chỉ có 3 người trên sân, một đội bóng dù mạnh đến mấy cũng không chịu nổi đòn hội đồng. 

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục