Qatar tìm cách vượt khó

Gần 1 tháng đã trôi qua kể từ khi cuộc cô lập chưa từng có tiền lệ ở vùng Vịnh bùng nổ. Trái với dự đoán, Qatar đã từng bước khắc phục lệnh cấm vận của các nước láng giềng do cáo buộc Doha tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và gây bất ổn ở khu vực Trung Đông.
Đa dạng nguồn cung thực phẩm và mở rộng sản xuất trong nước giúp Qatar đảm bảo an ninh lương thực
Đa dạng nguồn cung thực phẩm và mở rộng sản xuất trong nước giúp Qatar đảm bảo an ninh lương thực
Chứng tỏ khả năng độc lập 
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Shareef Al Emadi khẳng định, nền kinh tế nước này đủ mạnh để đối phó cấm vận. Ông Emadi cho biết, lạm phát trong năm nay sẽ tăng do cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh nhưng kinh tế Qatar vẫn sẽ ổn định nhờ vào nguồn dự trữ và các quỹ đầu tư cao hơn 250% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 
Qatar tìm cách vượt khó ảnh 1 Sản phẩm sữa của Thổ Nhĩ Kỳ tại siêu thị ở Qatar
Hiện Qatar đã tìm kiếm các phương án thay thế như đa dạng hóa nguồn cung và mở rộng sản xuất trong nước. Sự hoang mang của người dân về các nguồn hàng lương thực thực phẩm đã lắng xuống sau khi  các nhà sản xuất lương thực Qatar đang chuyển hướng tìm những đối tác mới bên ngoài Vịnh như Brazil, Azerbaijan, Uzbekistan, Ukraine, Romania và Bulgaria… nhằm ổn định thị trường lương thực cho người dân. Qatar đã đảm bảo được nguồn cung các sản phẩm từ sữa từ Thổ Nhĩ Kỳ. Iran chuyên chở hàng ngày bằng đường biển 1.100 tấn trái cây và rau củ cho Qatar kể từ khi các quốc gia láng giềng Arab vùng Vịnh cắt đứt quan hệ với Doha. Nhiều tập đoàn lớn tại Qatar cũng đẩy mạnh sản lượng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Các khẩu hiệu mang tính yêu nước như “Sản phẩm 100% của Qatar” và “Các mặt hàng do Qatar và những quốc gia bạn bè sản xuất” đã xuất hiện các khu chợ ở Qatar. Hành động này nhằm khuyến khích người dân Qatar thể hiện sự ủng hộ đối với các nhà sản xuất trong nước, cũng như chứng minh khả năng độc lập trước các nguồn cung là những quốc gia đang thi hành lệnh cấm vận với Doha. An ninh lương thực là một phần trong chiến lược mang tên “Tầm nhìn 2030” của Chính phủ Qatar nhằm đưa nền kinh tế giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa và khí đốt.
Lĩnh vực năng lượng và nền kinh tế của nước này về cơ bản vẫn hoạt động bình thường. Qatar đã thay đổi tuyến hàng hải để đối phó với lệnh cấm vận. Thông thường, hàng hóa chuyển đến Qatar sẽ dừng tại cảng nước sâu Jebel Ali ở Dubai hoặc thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Hàng hóa sau đó được chuyển sang tàu nhỏ hơn về Doha. Qatar hiện không thể sử dụng lộ trình này vì đã bị UAE cắt quan hệ. 
Hiện tại, hàng hóa của Doha giờ sẽ đi qua cảng Sohar và Salalah của Oman, không cần dừng lại tại các quốc gia đã cắt quan hệ. Thay vì sử dụng cảng Jebel Ali, Qatar sẽ mở rộng các tuyến đường vận tải với Oman, Ấn Độ và xa hơn các nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Để giải quyết tình trạng bị phong tỏa đường hàng không, hãng hàng không Qatar Airways hiện phải tăng cường bay qua Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Qatar phải kêu gọi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) can thiệp nhằm giải quyết tranh chấp. Qatar cũng đã yêu cầu ICAO mở không phận quốc tế trên các vùng biển ở vùng Vịnh hiện đang quản lý bởi UAE. Trước đó đã có những lo ngại việc bị phong tỏa đường hàng không và đường bộ có nguy cơ gây gián đoạn công tác chuẩn bị cho World Cup 2022 . Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới đây, ủy ban tổ chức World Cup của Qatar nói rằng, công tác xây dựng đang tiến triển nhanh chóng tại tất cả các sân vận động và khu vực hạ tầng cho giải đấu. Cũng theo tuyên bố này, Khalifa International Stadium, 1 trong 8 sân vận động đang được xây dựng ở Qatar, sẽ hoàn tất vào tháng 5-2018.
Đối thoại thay vì cấm vận
Nhằm gây áp lực tiền tệ lên Qatar, 3 quốc gia Arab vùng Vịnh là Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã rút 16 tỷ USD tiền gửi ngắn hạn từ các ngân hàng Qatar, động thái được cho là có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm USD vốn đã xuất hiện ở Qatar sau khi các nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha hôm 5-6. Các ngân hàng Qatar đang theo đuổi các chính sách tài chính mới để cải thiện khả năng thu mua USD. 
Dù được nhìn nhận là có nền kinh tế ổn định, nhưng theo đánh giá của giới phân tích kinh tế khu vực và quốc tế, nếu không có những biện pháp xử lý khủng hoảng triệt để, Qatar sẽ đứng trên bờ vực cuộc suy thoái kinh tế. Đặc biệt, sự phụ thuộc quá mức của các ngân hàng Qatar vào nguồn tiền gửi từ nước ngoài chắc chắn tạo những thách thức về thanh khoản đối với nhiều ngân hàng ở nước này. Tuy nhiên, cũng có một số nhận định khác cho rằng, miễn là các quốc gia vùng Vịnh khác không can thiệp vào xuất khẩu khí đốt của Qatar thì nền kinh tế Qatar sẽ không phải chứng kiến một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh khiến dư luận cho rằng, có thể sẽ dẫn đến thay đổi các liên minh mang tính chất khu vực và quốc tế ở Trung Đông và hình thành một tập hợp lực lượng mới tại đây. Trong tương lai, nếu vấn đề không được giải quyết, một liên minh mới có thể sẽ xuất hiện gồm Qatar, Iran, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Qatar rút khỏi Hội đồng hợp tác vùng Vịnh sẽ tạo ra một cơn địa chấn đe dọa sự tồn tại của GCC. 
Hiện nhiều quốc gia tiếp tục lên tiếng nhấn mạnh các nước Arab cần đối thoại thay cho các biện pháp cấm vận. Đang có nhiều chỉ trích nhằm vào Saudi Arabia, quốc gia khởi xướng thực hiện lệnh cấm vận nhằm vào Qatar. Giới phân tích cho rằng, trong dài hạn cái giá của việc cô lập Qatar đối với Saudi Arabia có thể trở thành tổn thất kinh tế. Để thu hút các doanh nghiệp và tạo việc làm cho lực lượng dân số trẻ ngày càng đông, các nước vùng Vịnh cần có sự ổn định và một môi trường kinh doanh thân thiện. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra đi ngược lại những điều này. Càng kéo dài, cuộc khủng hoảng sẽ càng gây tổn thất, không chỉ đối với Qatar mà đối với toàn bộ khu vực.
“Rất nhiều người nghĩ rằng chúng tôi là người thua, nhưng Doha không phải là kẻ thất bại duy nhất trong cuộc chiến này. Nếu chúng tôi mất 1 USD, họ cũng sẽ mất 1 USD”, Bộ trưởng Tài chính Ali Shareef Al Emadi cảnh báo.

Tin cùng chuyên mục