Vào lúc 5 giờ 55 phút ngày 29-1-2010, tôi đón xe buýt số 7 (biển số 53N-3823) từ trạm Kỳ Đồng đến trạm Bưu điện quận 5 TPHCM và xin xuống xe, nhưng tài xế lạnh lùng chạy luôn đến trạm Kim Biên. Tôi đành vào bến, đón xe buýt đi tiếp đến nơi dạy học (huyện Bình Chánh) và vào lớp trễ mất 10 phút.
Nếu như xe số 7 này ngừng ở trạm Bưu điện quận 5, tôi chỉ việc băng qua đường đón xe 47 về Bình Chánh kịp giờ dạy học như thường lệ. Đây không phải là lần đầu tiên xe buýt bỏ trạm và cũng không phải mình tôi bị xe buýt “bắt” xuống trạm khác, rồi phải đi bộ, trễ giờ làm việc. Khổ nỗi vì chuyện trễ giờ làm, không ít người bị “sếp”quở trách hoặc trừ điểm thi đua mà không thể đổ lỗi cho ai!
Vì muốn “đồng hành cùng buýt” nên nhiều người dân ở TPHCM, nhất là học sinh, sinh viên, công nhân và nhân viên đã chọn phương tiện công cộng này đi làm, đi học. Đồng hành với buýt thường xuyên là những đối tượng có thu nhập vừa và thấp. Loại “thượng đế” này có những nỗi khổ riêng và “đành ngậm bồ hòn” khi chứng kiến một số hình ảnh chưa đẹp của tài xế, nhân viên xe buýt.
Trước đây, tôi đi dạy học bằng xe gắn máy từ Kỳ Đồng quận 3 xuống huyện Bình Chánh thật nhanh và tiện lợi. Những năm sau này, do chứng thấp khớp, tôi phải “lụy” đến xe buýt, nhưng đôi lúc thấy bức xúc trước cung cách “phục vụ” kiểu ban phát của cánh tài xế, tiếp viên. Chúng tôi có được rước hay không, có xuống đúng trạm hay không tùy vào tâm trạng vui buồn của họ. Dĩ nhiên, bên cạnh những hình ảnh chưa đẹp mắt này, vẫn còn nhiều tài xế nhiệt tình, thông cảm với hành khách. Có những tiếp viên ân cần đỡ khách lên xuống, ăn nói nhẹ nhàng…
Tôi không muốn so sánh nhưng nhiều lần đi du lịch nước ngoài, tôi thử chọn phương tiện di chuyển là xe buýt và thấy thật thoải mái. Hành khách lên cửa trên, bỏ tiền xu vào khe, tự xé vé, muốn xuống trạm nào cứ việc nhấn chuông phía trên hoặc ngay cửa xuống, tài xế làm theo tiếng chuông. Đặc biệt, trạm nào họ cũng dừng chứ không nhất thiết có người xuống hay khi khách đưa tay ngoắc mới ngừng như ở ta. Đến bao giờ xe buýt ở TPHCM mới được như xứ người?
NGUYỄN NGỌC HÀ
(Giáo viên Trường THPT Đa Phước - Bình Chánh TPHCM)