Cơ sở xã hội đang quá tải cục bộ, không còn khả năng tiếp nhận thêm nhiều người nghiện ma túy. Không những thế, nhiều trung tâm cai nghiện bắt buộc cũng đứng trước tình trạng quá tải về mặt nhân sự - thiếu cán bộ quản lý trong khi học viên đang tăng dần.
70% người nghiện là người các tỉnh
Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 (huyện Củ Chi, TPHCM) có khả năng tiếp nhận khoảng 800 người nghiện ma túy. Tuy nhiên, đến tháng 4-2016, số lượng người nghiện ở cơ sở này là 897 người, gồm người nghiện ma túy đến cắt cơn giải độc, tư vấn điều trị và người cai nghiện tự nguyện.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2, cho biết số người vượt quá quy mô cho phép nên phải ở khá chật chội. Năm nay, đơn vị đề xuất sửa chữa cơ sở vật chất, hy vọng có thể nâng quy mô, có thêm 120 chỗ nữa.
Hiện nay, Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 phải mượn thêm cán bộ quản lý từ một số cơ sở cai nghiện bắt buộc tới tăng cường cho đơn vị. Lý giải tình trạng quá tải cục bộ, ông Nguyễn Trung Hiếu cho hay, 4 tháng đầu năm 2016, các quận, huyện đưa vào cơ sở hơn 1.200 đối tượng, chủ yếu là người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Trong khi đó, các quận, huyện chỉ kịp làm thủ tục đưa 875 người sang tòa án để tòa án ban hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
“Số lượng tồn rất nhiều. Riêng tháng 3-2016 đưa vào cơ sở xã hội 435 người, đưa ra có 318 người; sang tháng 4-2016, đưa vào khoảng 340 người nhưng đưa ra chỉ 237 người. Số lượng người đưa vào và đưa ra không cân bằng, mỗi tháng dư khoảng 100 người, dần dần người ở cơ sở tăng lên. Những tháng kế tiếp chưa rõ thế nào, nếu tiếp tục không cân đối thì rất căng cho đơn vị”, ông Hiếu lo ngại.
Làm thủ tục tiếp nhận người nghiện ma túy tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết tình trạng quá tải cục bộ xảy ra tại các cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2, Bình Triệu và cả Nhị Xuân. Các cơ sở xã hội mang tính trung chuyển, người nghiện ma túy chỉ ở đây trong vòng 1 tháng (tối đa 3 tháng) để cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý trong thời gian lập hồ sơ chuyển tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khó khăn nhất là việc xác minh nơi cư trú của đối tượng, khoảng 70% người nghiện ma túy là người từ các tỉnh, thành khác đến TPHCM. Mặc dù Bộ Công an đã có chỉ đạo các tỉnh, thành phối hợp với TPHCM nhanh chóng xác minh nơi cư trú của đối tượng, song trên thực tế, nhiều lần phối hợp mà… rất khó có kết quả. Việc xác minh lâu cộng với hồ sơ luân chuyển lần lượt từ công an sang tư pháp tới LĐTB-XH (mỗi nơi từ 2 - 5 ngày) rồi mới đến tòa án theo quy trình khiến người nghiện ma túy dồn lại ở các cơ sở xã hội.
Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, tòa án các quận, huyện làm rất tốt, đến tận các cơ sở xã hội mở phiên họp xem xét. Vấn đề còn lại là khâu hoàn tất hồ sơ đưa sang tòa án phải nhanh. Trước tình hình này, để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất hồ sơ, Sở LĐTB-XH TPHCM vừa đề nghị các phòng LĐTB-XH, Tư pháp, Công an quận, huyện phải ngồi lại với nhau, cùng giải quyết hồ sơ một lúc, thay vì mỗi đơn vị “ôm” hồ sơ mấy ngày.
Áp lực tăng dần
Không những quá tải cục bộ tại cơ sở xã hội, một số cơ sở cai nghiện bắt buộc mang tính đặc thù cũng đối mặt với tình trạng quá tải. Tại Trung tâm Cai nghiện ma túy Bố Lá (thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM, đóng tại tỉnh Bình Dương), đến tháng 4-2016, trung tâm có 790 học viên. Trong khi đó, trung tâm này chỉ có khả năng tiếp nhận 800 người. Đặc thù của Trung tâm Bố Lá là tiếp nhận các học viên cai nghiện ma túy có “số má”, có tiền án, tiền sự. Trước khả năng chỉ còn tiếp nhận thêm được 10 người, Trung tâm Bố Lá phát đi đề nghị mong các quận, huyện thông cảm, cố gắng điều chuyển người tới các trung tâm cai nghiện khác.
Đáp lại yêu cầu của Trung tâm Bố Lá, mới đây, khoảng 50 người sau cai đã được UBND các quận, huyện điều chuyển tới các nơi khác. Song áp lực vẫn chưa thôi dồn lên trung tâm cai nghiện này. Trung tâm Bố Lá tính toán, 3 cơ sở xã hội đang cắt cơn, giải độc cho gần 1.700 người, mà chỉ cần 10% trong đó (khoảng 170 người) có “số má”, thuộc đối tượng chuyển tới Trung tâm Bố Lá thì… rất gay.
Một lãnh đạo trung tâm này than: “Nếu thêm chừng 80 người nữa thì chúng tôi còn gượng được, chứ thêm 170 người thì không thể có sức chứa”! Ngày 2-6, trung tâm này đề nghị, thay vì tiếp nhận các học viên có tiền án, tiền sự về tội nghiêm trọng như quy định của UBND TPHCM, thì từ nay, các quận, huyện chỉ nên chuyển tới Trung tâm Bố Lá những học viên từng phạm pháp thuộc khung đặc biệt nghiêm trọng.
Tại các cơ sở cai nghiện khác, tình trạng quá tải về cơ sở vật chất chưa diễn ra do giai đoạn cao điểm (năm 2003-2008), các trung tâm từng chữa bệnh cho hơn 30.000 lượt người. Hiện các trung tâm cai nghiện bắt buộc có khoảng 9.400 học viên; nếu số học viên tăng lên, cơ sở vật chất cũ chỉ cần sửa sang lại là dùng được. Vấn đề các trung tâm lo ngại là tình trạng quá tải nhân sự. Các cơ sở đối diện tình trạng thiếu cán bộ quản lý học viên.
Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phước Bình (đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) cho biết, theo quy định, trung tâm được giao 113 cán bộ công chức, viên chức, người lao động phục vụ quy mô 500 học viên. Trên thực tế, trung tâm có đến 735 người mà chỉ có định biên 99 cán bộ quản lý, thậm chí một số vị trí thiếu, chưa tuyển được đủ 99 người. Tương tự, một số trung tâm cai nghiện ma túy khác cho biết, trước đà tăng học viên như hiện nay, cũng chỉ tiếp nhận thêm chừng 200 học viên/trung tâm là vượt tỷ lệ chuẩn cán bộ/học viên (tỷ lệ an toàn 1:7).
Đường Loan