Quận 9, TPHCM: Gian nan giữ trong xanh môi trường nước

Hiểm họa Suối Cát
Quận 9, TPHCM: Gian nan giữ trong xanh môi trường nước

Mặc dù làn sóng đô thị hóa đang ào ạt, quận 9 (TPHCM) vẫn rất ý thức và gắng sức gìn giữ môi trường nước sông rạch trong xanh. Đây là địa phương được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của TPHCM. Thế nhưng, màu xanh của sông nước quận 9 đang bị đe dọa vì nguồn nước ô nhiễm từ rạch Suối Cát. Chính quyền và người dân quận 9 đang rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của TP và các ngành chức năng liên quan.

Nước thải màu xám xịt xả thẳng xuống rạch Suối Cát (ảnh chụp tại xa lộ Hà Nội thuộc địa phận quận Thủ Đức).

Nước thải màu xám xịt xả thẳng xuống rạch Suối Cát (ảnh chụp tại xa lộ Hà Nội thuộc địa phận quận Thủ Đức).

Hiểm họa Suối Cát

Quận 9 có lợi thế tự nhiên là những vườn cây xanh, trải rộng theo hệ thống sông rạch Gò Công, Trau Trảu, Tắc, Suối Cát và bao quanh là sông Đồng Nai. Các sông rạch nối kết nhau, thuận lợi giao thông đường thủy. Màu xanh trong của sông rạch vốn là chuyện tự nhiên nay trở thành lợi thế để quận 9 làm kinh tế. Thế nhưng, giữ được lợi thế đó không đơn giản.

Ông Hồ Văn Năm, Trưởng phòng TN-MT quận 9, lo lắng: “Vài năm trở lại đây, nước rạch Suối Cát bị ô nhiễm. Quận đã nhiều lần kiểm tra thực tế, cho thấy mức độ ô nhiễm nặng. Điều đáng lo ngại là nước rạch Suối Cát không chỉ chảy vào rạch Gò Công, mà lan qua rạch Trau Trảu rồi cùng chảy vào sông Tắc trước khi chảy ra sông Đồng Nai. Chính vì thế, khi nước rạch Suối Cát bị ô nhiễm sẽ làm toàn bộ hệ thống nước sông rạch quận 9 bị ô nhiễm theo. Ô nhiễm nước sông không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà kế hoạch xây dựng, phát triển đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng của quận 9 cũng chông chênh”.

Ngay từ xa lộ Hà Nội, điểm đầu của rạch Suối Cát chảy vào địa phận quận 9, nước đậm màu đen, có mùi hôi và nhiều bọt. Nước bẩn từ rạch Suối Cát len lỏi qua những khu dân cư, vườn cây rồi hòa vào dòng nước rạch Gò Công. Người dân đầu rạch Gò Công cho biết, chừng 2 năm nay, nước đầu nguồn rạch Gò Công cũng đã có dấu hiệu chuyển màu. Những ngày nước rong thì màu nước còn xanh, còn khi nước ròng, bằng mắt thường cũng thấy nước đen sậm. Nếu cứ mức độ ô nhiễm ngày càng nặng thế này, chỉ vài năm nữa, toàn bộ nước sông rạch ở đây sẽ chuyển sang màu đen. Nguy cơ những dòng sông rạch xanh trong bị biến thành sông “chết” đã cận kề.      

Vượt quá sức của quận

Quận 9 xây dựng mô hình phát triển đô thị sinh thái, công nghệ cao. Nhiều khu du lịch sinh thái đã hình thành và thu hút khách đến tham quan nghỉ dưỡng. Khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động, trở thành điểm nhấn phát triển kinh tế tri thức, môi trường sản xuất sạch của TPHCM. Để thực hiện được mục tiêu đó, nhiều năm qua, quận 9 đã kiên trì và quyết liệt thực hiện các biện pháp giữ môi trường xanh - sạch. Điều đáng ghi nhận, quận 9 đã cương quyết dẹp, xóa bỏ 130 lò gạch thủ công. Những lò gạch này vốn là niềm tự hào về sản xuất tiểu thủ công nghiệp của địa phương; tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhiều gia đình khá giả, làm giàu bằng nghề nung gạch. Do sử dụng công nghệ cũ, các lò gạch thủ công được đốt bằng củi, chất thải công nghiệp hoặc dầu cặn đã gây ô nhiễm môi trường, nên chính quyền đã quyết định xóa toàn bộ lò gạch thủ công.

Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm và quyết tâm trong việc xử lý ô nhiễm do các lò gạch thủ công, nhưng khi vào cuộc, giải quyết ô nhiễm nguồn nước rạch Suối Cát, quận 9 đứng trước những thử thách rất lớn, vượt ra ngoài tầm quản lý của quận. Nguồn nước rạch Suối Cát chảy về từ khu vực quận Thủ Đức và tỉnh Bình Dương - nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và các cơ sở sản xuất độc lập. Nước thải từ các nhà máy không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu đã đổ xuống rạch Suối Cát. Quận 9 nằm ở hạ nguồn, nên toàn bộ sông rạch quận 9 hứng toàn bộ nguồn nước ô nhiễm này.

Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết: “Chúng tôi đã xác định nguyên nhân, mức độ ô nhiễm và sự nguy hại của nguồn nước rạch Suối Cát đối với hệ thống sông rạch địa phương. Nguy cơ đã cận kề và mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn. Ô nhiễm sông rạch không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn người dân, mà còn chặn bước phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng, việc xử lý lại không dễ vì nguồn nước ô nhiễm không phát sinh ở quận 9, mà nằm ở quận bạn và tỉnh bạn. Để ngăn chặn sự ô nhiễm này, không chỉ cần sự kết hợp đầy trách nhiệm giữa hai quận, mà còn rất cần sự can thiệp giải quyết, phối hợp chặt chẽ của TPHCM và tỉnh Bình Dương”.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục