Liên đoàn Bóng đá Mỹ vừa đưa ra lời mời đội tuyển bóng đá quốc gia Iran tới Mỹ thi đấu giao hữu. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Iran Ali Kafashian đã chấp nhận lời mời. Thêm một dấu hiệu nữa cho thấy quan hệ Mỹ - Iran dường như đang được cải thiện sau cuộc điện đàm lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani hôm 28-9.
Cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước sau hơn 30 năm được giới quan sát nhận định là động thái “phá băng” quan hệ. Trở ngại trong đối thoại giữa Washington - Tehran là chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Tuy nhiên, theo mạng tin Debka của Israel, vật cản này đã được giải quyết. Ông Obama cùng với nhà lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei và ông Rouhani đã đàm phán bí mật và tích cực trong suốt hai tháng trước thời điểm Đại hội đồng LHQ nhóm họp tháng 9 vừa qua, trong đó Quốc vương Oman là người trung gian.
Hai bên đã đạt được một thỏa thuận, trong đó có 4 điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, Mỹ tôn trọng quyền làm giàu uranium của Tehran vì mục đích hòa bình. Điều này được ông Obama gián tiếp khẳng định ngày 6-10 khi cho biết Mỹ và Israel quyết ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân chứ không hề phản đối chương trình hạt nhân của Tehran. Thứ hai, Tehran chấp nhận giới hạn tối đa về số lượng máy ly tâm làm giàu urani tại cơ sở Natanz mà quốc tế đưa ra, mặc dù hiện nay chưa quyết định được số lượng chính xác. Thứ ba, Iran sẽ ký Nghị định thư phụ về Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT), cho phép các thanh sát viên Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thực hiện các chuyến thăm không báo trước tới những điểm tình nghi bên ngoài các địa điểm hạt nhân công khai. Cuối cùng, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ dỡ bỏ dần tất cả các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Theo giới quan sát, việc hai nước cải thiện quan hệ sẽ đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Bà Suzanne Maloney, chuyên gia về Iran tại Viện Brookings (Mỹ) cho rằng đối với Iran, một thỏa thuận với Mỹ và các cường quốc khác sẽ giúp Iran thoát khỏi các lệnh trừng phạt vốn đang làm kiệt quệ nền kinh tế của nước này; giúp Tehran bước ra khỏi sự cô lập của quốc tế. Với Mỹ, việc tái lập quan hệ với Iran, tiến tới một thỏa thuận hạt nhân thực sự với Tehran sẽ thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Syria. Quan hệ tốt với Iran cũng có thể làm giảm sự ủng hộ của Tehran đối với phong trào Hamas, có thể sẽ giúp cho tiến trình hòa bình ở Israel.
Ông Steve Clemons, thành viên cấp cao của New America Foundation nhận định, việc tái lập quan hệ hữu nghị với Iran sẽ là một sự thay đổi tích cực nhất trong các vấn đề toàn cầu kể từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt và Mỹ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Nếu Mỹ không nắm lấy cơ hội này thì đây sẽ là sai lầm chiến lược lớn nhất kể từ cuộc chiến Iraq.
Tuy nhiên, một số chuyên gia thận trọng cho rằng chỉ có thể biết được quan hệ Mỹ - Iran có tiến triển thực sự hay không từ ngày 16-10 tới, thời điểm bắt đầu các cuộc thương lượng về chương trình hạt nhân của Iran tại Geneva, Thụy Sĩ. Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) Mỹ - ông Richard Haass - cho rằng nếu đàm phán hạt nhân thành công, mọi khả năng sẽ được mở ra, còn nếu thất bại, quan hệ giữa hai nước quay trở lại vạch xuất phát.
ĐỖ CAO