(SGGPO).- Ngày 11-3, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về Di dân do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc phối hợp tổ chức.
Theo thông tin công bố tại cuộc họp, tình trạng di cư ở Việt Nam diễn ra với quy mô lớn và tăng nhanh so với tốc độ tăng dân số. Tại thời điểm Tổng điều tra dân số năm 1999, số người di cư nội địa là gần 4,5 triệu thì năm 2009 đã lên tới gần 7 triệu người. Vùng xuất cư mạnh nhất hiện nay là Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, chủ yếu là thuần nông. Vùng nhập cư mạnh nhất là Đông Nam bộ.
Tại Việt Nam, Luật Cư trú đã được ban hành năm 2007 và các bộ ngành cũng đã có 676 văn bản liên quan để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, qua gần 7 năm thực hiện, một số nội dung trong Luật Cư trú vẫn chưa thành hiện thực, một số quy định lại chồng chéo với các luật khác, cần điều chỉnh cho phù hợp.
Theo GS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội, công cụ quản lý dân cư bằng hộ khẩu đã trở nên lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. GS Cử phát biểu: “Theo tôi biết hiện chỉ còn 3 nước duy trì chế độ hộ khẩu là Trung Quốc, Việt Nam và CHDCND Triều Tiên”.
Theo ông, các chính sách liên quan đến dân số cần phân loại rõ là dân số đăng ký thường trú hay là dân số thường trú thực tế - nói cách khác là dân số có hộ khẩu hay là dân số thường trú trên thực tế. Đồng thời, tới đây, nên chuyển dần việc xây dựng chính sách trên cơ sở tính toán dân số thường trú thực tế. “Ngay cả các nước láng giềng Lào và Campuchia cũng đã áp dụng cách quản lý dân cư không cần tới hộ khẩu”, GS Nguyễn Đình Cử cung cấp thông tin.
ANH PHƯƠNG