Quản lý hoạt động vận tải: Lợi ích chung phải đặt lên cao nhất

Đang có không ít băn khoăn về một số dự thảo quy định của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến việc quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô, đặc biệt là loại hình vận tải khách du lịch.

Đang có không ít băn khoăn về một số dự thảo quy định của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến việc quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô, đặc biệt là loại hình vận tải khách du lịch.

Băn khoăn lớn nhất là các quy định về đón, trả khách. Dự thảo của Bộ Giao thông Vận tải ghi: “Đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Đơn vị vận tải khách du lịch và lái xe không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ xe”. Không ít đơn vị vận tải cũng như hành khách đã cho rằng, “quy định này gây bất tiện cho người dân”, thậm chí còn có ý kiến cho rằng quy định “không được bán vé, xác nhận chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức” là vi phạm Luật Dân sự về hợp đồng dân sự. Có lẽ, trước khi tranh luận tính đúng, sai của các quy định này, chúng ta nên nhìn lại một chút về hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là hoạt động vận tải hành khách tại các thành phố lớn như TPHCM. Nhằm giảm áp lực giao thông cho nội thành (đây cũng là một thông lệ quốc tế) theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, xe khách liên tỉnh tuyến cố định phải đón khách tại các bến bãi vận tải được Nhà nước chấp thuận. Ở TPHCM là các bến xe miền Đông, miền Tây.  Hành khách có thể đặt mua vé của các đơn vị vận tải khách liên tỉnh theo tuyến cố định và các đơn vị vận tải chỉ được phép dùng xe trung chuyển (thường là xe loại nhỏ để khi hoạt động trong nội thành, không ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông) đến nhà hoặc địa điểm thỏa thuận đón và đưa khách ra bến xe. Đến bến xe, hành khách sẽ được hướng dẫn lên xe liên tỉnh… Ở đây có một chút phiền toái: hành khách phải chuyển xe. Lợi dụng điều này, nhiều đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định đã giả danh đơn vị vận tải khách du lịch để đưa xe đến tận nhà đón khách hoặc lập văn phòng đón khách ngay trong nội đô. Rõ ràng, đi những đơn vị vận tải đội lốt này, hành khách không gặp phải phiền toái nêu trên.

Ông Hồ Văn Hưởng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam, nhận xét, lợi ích của một nhóm nhỏ hành khách đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giao thông chung của một thành phố đông đúc như TPHCM. Trung bình mỗi ngày 2 bến xe liên tỉnh lớn nhất TPHCM là Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây đưa đón khoảng 50.000 lượt hành khách. Hãy tưởng tượng nếu tất cả số lượng xe chở số hành khách này đều đưa khách vào trung tâm… thì giao thông TPHCM sẽ ra sao? Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã bắt quả tang khá nhiều đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định sử dụng chiêu đội lốt xe khách du lịch để đón khách. Phải nhìn thực tế này để hiểu tại sao Bộ Giao thông Vận tải lại đưa ra dự thảo nêu trên… Nếu quy định nào chưa thật phù hợp, Bộ Giao thông Vận tải nên nghiên cứu thêm. Thế nhưng, tất cả phải trên nguyên tắc: đặt lợi ích chung lên trên hết. Thêm nữa, kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, trên cơ sở những quy định chung nhất, ngành giao thông vẫn có thể nghiên cứu đề xuất thêm các quy định cụ thể để phù hợp với đặc trưng ngành nghề vận tải. Tất cả vì lợi ích chung của mọi người thì nhất định sẽ được ủng hộ.

KHOA - QUYÊN

Tin cùng chuyên mục