GS-TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Thủy lợi TPHCM nhận xét, một đô thị năng động, hiện đại như TPHCM mà vẫn quản lý vấn đề ngập lụt một cách thủ công như hiện nay, chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dự báo - cảnh báo thì thật đáng tiếc!
Triều cường liên tục đạt đỉnh mới
Mức độ ngập lụt tại TPHCM đang gia tăng nhanh chóng và sẽ còn nghiêm trọng hơn do cộng hưởng của biến đổi khí hậu. Vì thế, cùng với việc xây dựng các công trình chống ngập thì các giải pháp phi công trình cũng cần được tính đến, đặc biệt là vấn đề dự báo, cảnh báo.
Số liệu đo đạc từ trạm Phú An cho thấy, từ năm 2000 về trước, mực nước triều trung bình qua các năm chỉ từ 15cm trở xuống, nhưng từ năm 2000 đến nay, mực nước triều trung bình năm liên tục tăng, đến năm 2013 là 24cm và năm 2014 là 20cm. Tương tự, đỉnh triều cũng liên tục chạm mốc mới: nếu giai đoạn 1980-2000 đỉnh triều cường dao động từ 1,2 - 1,3m thì đến năm 2014, đỉnh triều đã chạm mốc 1,7m - cao nhất trong lịch sử TP. Theo GS-TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Thủy lợi TPHCM, các số liệu đo đạc cho thấy mức độ ngập triều ở TP tăng nhanh chóng, nhưng hiện nay việc cảnh báo và quản lý ngập vẫn thực hiện theo phương pháp thủ công nên tính chính xác không cao và khả năng ứng phó không kịp thời. Hiện nay, công nghệ rất phát triển, vì thế cần đầu tư hệ thống quản lý ngập lụt bằng phần mềm để có thể nhìn thấy ngay được khi mực nước lên cao thì khu vực nào sẽ bị ngập lụt, mức độ ngập đến đâu… Từ đó cảnh báo cho người dân, cơ quan chức năng để có phương án ứng phó kịp thời.
Triều cường gây ngập đường Lương Định Của, quận 2. Ảnh: Thành Trí
Thiếu số liệu quan trắc
Đồng tình với ý kiến của GS-TS Nguyễn Ân Niên, ông Huỳnh Lê Khoa, Phó trưởng Phòng Tài nguyên nước - khoáng sản - biển đảo thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cũng nêu ý kiến về việc có thêm trạm quan trắc. Bởi lẽ, ngoài ngập do triều cường, TP còn bị ngập do mưa. Nếu trước kia, khoảng 3 - 4 năm mới xuất hiện một cơn mưa vũ lượng trên 100mm thì 10 năm trở lại đây, trung bình một năm có 3 trận mưa vũ lượng trên 100mm. Đặc biệt, trong 2013 và 2014 có đến 3 trận mưa mà chỉ trong 60 phút vũ lượng đã đạt tới 122mm. Một nguyên nhân khác gây ngập TP là việc xả lũ từ các hồ chứa ở thượng nguồn. Vì thế, không chỉ quản lý vấn đề ngập trong TP mà còn phải liên kết thông tin với các địa phương lân cận, các đơn vị vận hành hồ chứa để tích hợp thông tin vào phần mềm quản lý ngập lụt. Cũng theo ông Khoa, muốn có một phần mềm hiệu quả thì số liệu đầu vào là yếu tố quan trọng. Thế nhưng, trên thực tế tại TP chỉ có một trạm quan trắc mực nước Phú An trên sông Sài Gòn để đo mực nước ven sông, trong khi thiếu các trạm quan trắc nội đồng nên chưa dự báo được tình hình ngập nội đồng. Hiện nay, chủ yếu dẫn số liệu từ trạm Phú An vào nhưng do khoảng cách xa nên sai số lớn. Chính vì vậy, TP cần tăng cường đầu tư thêm các trạm quan trắc. Trước mắt thì nên đặt thêm một trạm quan trắc mực nước trên sông Sài Gòn và khoảng 1 - 2 trạm quan trắc trong nội đồng.
20 triệu USD nâng cao năng lực cảnh báo
Theo đánh giá của PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM), công tác dự báo về thủy văn, khí tượng tốt nhưng dự báo về mực nước còn yếu. Có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là vì địa hình TP không còn tự nhiên mà đã thay đổi rất nhiều do quá trình đô thị hóa với mật độ xây dựng dày đặc. Hiện TP đang xây dựng hệ thống kiểm soát triều, khoảng đến năm 2020 thì có thể đưa vào vận hành. Đây là tín hiệu đáng mừng, chỉ trong một thời gian ngắn nữa việc kiểm soát do ngập triều sẽ ổn. Thế nhưng, điều đáng lo nhất hiện nay là hạ tầng thoát nước đã lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng nhưng để đầu tư cũng mất hàng trăm ngàn tỷ đồng với thời gian kéo dài, mà điều kiện của TP hiện nay chưa thể thực hiện được. Ông Phi cũng cho biết, ngoài trạm Phú An thì có một radar đo thời tiết ở Nhà Bè nằm trong mạng lưới quan trắc của Trung tâm Khí tượng - thủy văn quốc gia. Trạm radar này có thể đo mưa và một số hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác nhau như dông, lốc…, xác suất dự báo trên 70% - 80%. Tuy nhiên, thời gian qua số liệu quan trắc ở đây bị gián đoạn nên chưa phổ biến ra ngoài, khả năng cảnh báo sớm cũng hạn chế. Cũng theo thông tin từ ông Phi, vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đã đồng ý về mặt chủ trương sẽ hỗ trợ cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập của TP thực hiện dự án “Nâng cao năng lực dự báo chính xác mưa và ngập”.
Theo đó sẽ lắp đặt một số trạm quan trắc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các kênh rạch trên địa bàn TP và một số trạm quan trắc trên lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai để có thông tin mực nước đầu nguồn đổ về. Đồng thời, xây dựng hệ thống radar quan trắc, hệ thống thông tin kiểm soát, phần mềm mô phỏng ngập lụt để quản lý cũng như cảnh báo trước diễn biến ngập, thoát nước cho các lưu vực. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 20 triệu USD. “Theo tôi biết thì hiện tại Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập đang chuẩn bị hồ sơ để trình lên WB để thẩm định. Nếu dự án được duyệt sẽ tiến hành mua sắm thiết bị và lắp đặt, vận hành. Thủ tục suôn sẻ thì nhanh lắm cũng phải mất một năm mới có thể đưa hệ thống vào hoạt động”, ông Phi nói.
KHÁNH LÊ