Quản lý và bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai - Cần sự phối hợp liên tỉnh thành

Quản lý và bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai - Cần sự phối hợp liên tỉnh thành

Hệ thống sông Đồng Nai giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực. Tuy nhiên, trên hệ thống này đang diễn ra những mâu thuẫn hết sức gay gắt giữa các mục tiêu khai thác, sử dụng nguồn nước để phát triển kinh tế - xã hội hiện tại với các mục tiêu quản lý, bảo vệ nguồn nước để sử dụng lâu bền.

Mâu thuẫn này đang có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên lưu vực. Chính vì vậy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đối với các lưu vực sông Đồng Nai là nhiệm vụ cấp bách.

Năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã cùng trao đổi, thảo luận và thống nhất với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương giáp ranh: công tác quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh cần phải có sự phối hợp, thống nhất giữa các địa phương trong lưu vực và không phân biệt theo ranh giới hành chính. Trên tinh thần đó, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM cùng với các sở tài nguyên môi trường các địa phương trong lưu vực đã tham mưu cho UBND các địa phương ban hành “Quy chế Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, Tài nguyên khoáng sản và Bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang”.

Bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Theo đó, nguyên tắc phối hợp là đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về: Tài nguyên nước; Tài nguyên khoáng sản và Bảo vệ môi trường. Đảm bảo tính đồng thuận trong công tác quản lý nhà nước về Tài nguyên nước; Tài nguyên khoáng sản và Bảo vệ môi trường ở vùng giáp ranh nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, địa phương tham gia phối hợp. Đảm bảo tính chủ động, kịp thời, hiệu quả và thống nhất trong công tác thanh tra, kiểm tra trong phạm vi vùng giáp ranh, tổ công tác được quyền truy bắt, xử lý đối tượng vi phạm mà không phân biệt địa giới hành chính và chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý theo luật định.

Nội dung phối hợp bao gồm phối hợp lấy ý kiến góp ý khi xây dựng các quy định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Tài nguyên nước, Tài nguyên khoáng sản và Bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng giáp ranh. Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất; chia sẻ thông tin về quan trắc chất lượng nước tại các vùng giáp ranh. Chia sẻ thông tin khi có đề nghị về các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, nạo vét luồng lạch, khai thác nước (dưới đất, nước mặt) và xả chất thải vào nguồn nước ở vùng giáp ranh; kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Chia sẻ thông tin về khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và khu vực cấm, khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất.

Đến nay, quy chế này đã được UBND các tỉnh và thành phố thống nhất về chủ trương và đang tiến hành các thủ tục để ký kết ban hành. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện quy chế này sẽ gặp không ít những khó khăn và thách thức nhất định. Cụ thể như, cơ sở pháp lý đảm bảo cho việc tuân thủ và thực thi các nguyên tắc thỏa thuận giữa các địa phương theo Quy chế phối hợp đã được ký kết. Hiện tại tổ chức bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được giới hạn theo địa giới hành chính (việc xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước xảy ra trên địa phương nào phải do địa phương đó xử lý). Các nguồn lực phục vụ công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tại các địa phương còn hạn chế. Hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về tài nguyên môi trường giữa các địa phương trên lưu vực sông liên tỉnh chưa có nên việc cập nhật, kết nối và chia sẻ dữ liệu sẽ gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Nhận thức vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các cấp chính quyền, cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường lưu vực sông, tài nguyên khoáng sản…

Quy chế này đã bước đầu giải quyết các vấn đề cấp thiết trước mắt tại các địa phương và thể hiện cam kết của các địa phương đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Thế nhưng, do giới hạn trong địa giới hành chính của các địa phương tham gia ký kết nên chưa thể hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường đối với các lưu vực sông liên tỉnh. Để khắc phục bất cập này, chúng ta cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động của tổ chức bảo vệ môi trường lưu vực sông. Xây dựng quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường thống nhất trên toàn lưu vực. Nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng cơ chế chính sách để thu hút, khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường lưu vực sông. Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương trong lưu vực và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong xử lý các sự cố môi trường (do thiên tai, sự cố tràn dầu,...) hoạt động khai thác, bảo vệ tài nguyên (khai thác cát, sỏi lòng sông,...) trên lưu vực sông.

Việc quản lý và bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai cần được thực hiện tổng hợp và thống nhất giữa các địa phương trên lưu vực sông, có kế hoạch hành động cụ thể, dành ngân sách cần thiết cho hoạt động quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường lưu vực sông, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững KT-XH của từng địa phương và của vùng Đông Nam bộ.

Nguyễn Thị Thanh Mỹ
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM

Tin cùng chuyên mục