Quảng cáo, mua bán bằng giả công khai

Liên tục trong thời gian gần đây, cơ quan công an đã khám phá, bắt giữ nhiều đường dây in ấn, mua bán bằng cấp giả. Vậy nhưng, tình trạng quảng cáo, mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả vẫn tràn lan, công khai trên mạng xã hội, trong khi các biện pháp chế tài vẫn chưa đủ sức răn đe và còn bất cập.
Một trang web mua bán bằng giả công khai trên mạng xã hội
Một trang web mua bán bằng giả công khai trên mạng xã hội

Công khai tiếp thị bằng cấp giả

Tháng 6-2020, Công an quận Gò Vấp, TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Lê Tuấn Anh (quê quán Quảng Ngãi), Hồ Ngọc Quang (Đồng Nai) và Châu Quốc Việt (TPHCM) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, cụ thể là làm giả bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp đại học. Tháng 7-2020, Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, bắt giữ Trần Khánh Trình là đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả. Kiểm tra trong 2 máy vi tính của đối tượng này cho thấy dữ liệu sản xuất hàng ngàn văn bằng, chứng chỉ giả. Gần đây, hàng loạt đối tượng, đường dây làm bằng cấp, chứng chỉ giả đã bị cơ quan chức năng khám phá, tòa án xét xử với hình phạt nghiêm khắc. Các đối tượng thường dùng mạng xã hội, lập trang web giới thiệu, dùng tin nhắn điện thoại mời chào, tiếp thị. 

Chỉ cần gõ dòng chữ “mua bằng giả”, lập tức có hàng chục trang web hiện ra như tranglambanggiatot.com; muabangtotnghep.com; lambangcapnhanh.com… Các trang này công khai số điện thoại và lời giới thiệu hấp dẫn như bằng, chứng chỉ chất lượng tốt, giá cạnh tranh. Trang lambanggiatot.com có số điện thoại 0908978667 quảng cáo làm bằng giả từ... phôi thật, dấu nổi và tem 7 màu, giống thật 100% và giá rẻ.

Thực tế, nạn mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả xuất hiện từ nhiều năm qua và gần đây rộ lên với sự phát triển của mạng xã hội. Ông N.H. (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết, trước đây điện thoại của ông thường nhận được quảng cáo bán bằng cấp, chứng chỉ giả. Ông thường nhận tin từ số +849111803xx  với nội dung “nhận làm các loại giấy phép lái xe (xe máy, xe 4 bánh); làm bằng tốt nghiệp cấp 3, đại học, cao đẳng, trung cấp; làm sổ đỏ, sổ hồng… Có nhu cầu gọi 0869521162”. Thậm chí khi gọi lại số điện thoại trên, ông N.H. được hứa sẽ khuyến mãi, giảm giá nếu làm số lượng nhiều.  

Chế tài chưa nghiêm

Theo Luật sự Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM), pháp luật đã quy định xử lý đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Điều 341 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, phạt 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng và 2 năm tù đối với hành vi làm, sử dụng bằng giả; phạt tù từ 2 đến 5 năm trong trường hợp có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên hoặc làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu khác; phạt tù từ 3 đến 7 năm trong trường hợp làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên, sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ khác, thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên…

“Luật đã quy định xử phạt cả hành vi làm và sử dụng bằng giả. Cùng với phạt tù, còn có biện pháp chế tài kèm theo là phạt tiền. Có thể, mức phạt này chưa đủ nặng để răn đe nên tình trạng này vẫn tồn tại”, luật sư Trần Đình Dũng nói. 

Theo Luật gia Nguyễn Văn Khôi (Hội Luật gia Việt Nam), hạn chế hiện nay là việc quy định của pháp luật cũng như thực thi, áp dụng luật đối với đối tượng mua bán và sử dụng bằng cấp giả chưa nghiêm. “Luật quy định, người sử dụng bằng cấp giả bị phát hiện khi chưa có hành vi nhằm lừa dối cơ quan tổ chức hoặc công dân thì căn cứ Điều 16, Nghị định 138/2013 để xử phạt hành chính. Như vậy, với hành vi công khai mua bán văn bằng giả trên mạng nếu phát hiện cũng chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính”, luật gia Nguyễn Văn Khôi phân tích. Biện pháp xử lý đối với hành vi sử dụng bằng giả cũng chưa nghiêm. Thực tế ở nhiều đơn vị, địa phương mỗi khi phát hiện cán bộ, nhân viên sử dụng bằng giả, phần lớn là cho nghỉ việc chứ ít áp dụng xử lý hình sự. 

Chính sự nương nhẹ, không nghiêm với đối tượng sử dụng bằng giả đã dẫn đến tình trạng xem thường pháp luật. “Hậu quả của việc sử dụng bằng giả để lại cho xã hội rất lớn, gây nhiều hệ lụy nặng nề. Để ngăn nạn công khai mua bán bằng giả như hiện nay, cần điều chỉnh quy định pháp luật, phải áp dụng biện pháp hình sự với hành vi này”, luật gia Nguyễn Văn Khôi đề xuất. Theo ông Khôi, cơ quan, đơn vị nên chuyển cơ quan chức năng để xử lý hình sự thay vì cho nghỉ việc với cán bộ sử dụng bằng giả. Một khi xử lý hình sự, chế tài mạnh đủ răn đe, sẽ chấm dứt được nạn mua bán bằng giả công khai như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục