Quầy sách dành cho lao động nghèo

Với những lao động nghèo, hàng ngày vất vả chạy gạo ăn từng bữa, việc mua sách giáo khoa cho con học hành đã quá nặng gánh lo, nên họ không dám nghĩ đến việc mua truyện cho con đọc giải trí. Chính vì vậy, quầy sách 2.000 đồng/cuốn đã thiết thực mang đến niềm vui cho nhiều phụ huynh và trẻ em, nuôi dưỡng văn hóa đọc ở xóm lao động nghèo.
Quầy sách dành cho lao động nghèo

Với những lao động nghèo, hàng ngày vất vả chạy gạo ăn từng bữa, việc mua sách giáo khoa cho con học hành đã quá nặng gánh lo, nên họ không dám nghĩ đến việc mua truyện cho con đọc giải trí. Chính vì vậy, quầy sách 2.000 đồng/cuốn đã thiết thực mang đến niềm vui cho nhiều phụ huynh và trẻ em, nuôi dưỡng văn hóa đọc ở xóm lao động nghèo.

        Niềm vui ở quầy sách 2.000 đồng/cuốn

Tại các nhà sách, những cuốn sách này có giá từ 10.000 đến 70.000 đồng/cuốn, nhưng quầy sách ở quán cơm Nụ Cười 3 (298A Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM) chỉ bán giá 2.000 đồng/cuốn. Chính sự khác biệt đó mà quầy sách này luôn đông khách hàng là những người nghèo.

Sau một hồi lựa chọn, hai anh em Đỗ Văn Di (lớp 2) và Đỗ Văn Tường (lớp 4), đang học tại Trường tình thương Ánh Linh (quận 7), rất hân hoan khi tìm được cuốn sách mình yêu thích. Hai anh em cùng với mẹ đi bán vé số, còn ba làm bốc xếp, thu nhập bấp bênh, cảnh sống khó khăn, nên những nhu cầu chính đáng của tuổi thơ là cuốn truyện tranh hay truyện cổ tích cũng xa vời với các em. Từ khi có quầy sách 2.000 đồng, các em thỏa được đam mê, em Tường cho biết: “Ngày nào quầy sách mở là hai anh em vào chọn, mỗi đứa mua một cuốn truyện để tối về nhà đọc, rồi đổi cho nhau”.

Hai anh em bán vé số Tường và Di ngày nào cũng mua sách ở quầy sách 2.000 đồng.

Hai anh em bán vé số Tường và Di ngày nào cũng mua sách ở quầy sách 2.000 đồng.

Còn anh Nguyễn Văn Lợi, một thợ hàn tại quận 7, cho biết anh và những người trong xóm trọ ngày nào cũng ra đây tranh thủ đọc báo miễn phí và mua sách về cho các con ở nhà đọc nhân dịp hè, vừa giải trí, mở mang kiến thức, lại không đi chơi lêu lổng. Nhìn cách người mua lựa sách rất kỹ, lưỡng lự cầm lên đặt xuống, mới thấy rằng 2.000 đồng tuy chẳng là bao nhưng với người lao động nghèo cũng phải đắn đo lắm. Nhờ ý nghĩa thiết thực đối với người lao động nghèo nên quầy sách lúc nào cũng đông khách. Hình ảnh những người phụ nữ lam lũ tay cầm xấp vé số, hay những người thợ xây dựng quần áo lấm lem đang mải mê lựa sách và vui mừng khi có được cuốn sách cần tìm đã đủ làm ấm lòng những người đã chăm chút đầu tư công sức, vốn liếng mở quầy sách này.

        Chăm chút đời sống tinh thần cho người nghèo

Người phụ nữ điều hành quầy sách 2.000 đồng là cô L., cô không thích nêu tên lên báo vì chỉ muốn được lặng thầm làm một việc có ích cho người nghèo. Cô cho biết ý tưởng thành lập quầy sách này cũng rất tình cờ, đó là khi cô bắt gặp một chị tạp vụ đang rầu rĩ vì con đòi mua sách, trong khi tiền cơm còn phải lo từng bữa. Cô L. ái ngại khi thấy con em của những gia đình lao động nghèo không được đáp ứng những nhu cầu hết sức chính đáng như nhu cầu đọc sách, đọc truyện để giải trí, người lao động nghèo không có điều kiện để tiếp xúc với nguồn kiến thức từ sách báo. Từ đó cô kêu gọi bạn bè thân quen ủng hộ sách giáo khoa, truyện và mở quầy sách 2.000 đồng ngay tại quán cơm Nụ Cười 3 vào 11 giờ 30 đến 12 giờ 45 các ngày thứ ba, năm, bảy trong tuần. Có thể nói đây là một chương trình xã hội với một mô hình bán sách giá rẻ đầu tiên tại TPHCM. Cô L. vui vẻ kể: “Dù quy định mỗi ngày, mỗi khách hàng chỉ được mua 1 cuốn sách, nhưng mỗi ngày quầy sách cũng bán được trên 100 cuốn. Vẫn biết có người cần mua thêm nhưng số lượng sách có hạn nên chúng tôi phải bán hạn chế để san sẻ được cho nhiều người”.

Thấy được ý nghĩa tích cực của quầy sách 2.000 đồng này, nhiều cá nhân và đơn vị đã ủng hộ sách báo để tiếp thêm nguồn sách cho quầy sách hoạt động. Anh Dương Hoài Phong (ở phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) chia sẻ: “Thấy quầy sách này là một mô hình hoạt động xã hội rất hay và ý nghĩa nên mình và bà xã đã vận động bạn bè, đồng nghiệp cùng anh chị em trong gia đình quyên góp sách tặng quầy sách, để trẻ em và người lao động nghèo có thêm điều kiện được đọc sách, được tiếp cận với nguồn kiến thức bổ ích từ sách báo”.

Là những người đặt viên gạch đầu tiên, các thành viên đóng góp cho quầy sách 2.000 đồng hy vọng rằng với ý nghĩa thiết thực của nó, nhiều nhà hảo tâm sẽ nhân rộng mô hình này để giúp được người lao động nghèo ở nhiều nơi tiếp cận được nguồn kiến thức phong phú từ sách báo.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục