Quên nỗi đau bệnh tật để bám lớp

Quên nỗi đau bệnh tật để bám lớp

Người ta bảo thầy cô giáo như người chèo đò, lặng thầm mà bền bỉ với đầy tình thương yêu và trách nhiệm, đưa bao lứa học trò đến bến bờ làm người có tri thức. Người làm nghề giáo cao quý, thanh bạch sẽ càng vất vả hơn khi không may lâm trọng bệnh, gặp các chứng bệnh nan y. Âm thầm chịu đựng, vượt khó để vẫn lạc quan sống, vẫn kiên trì bám trường, đứng lớp là câu chuyện đáng trân trọng và cảm phục về những người thầy cô ấy…

Tặng quà 3 cô giáo Trường Mầm non Cô Giang, quận 1 (bên phải).

Tặng quà 3 cô giáo Trường Mầm non Cô Giang, quận 1 (bên phải).

Thực hiện chương trình phối hợp 3 bên gồm Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Công đoàn ngành giáo dục TPHCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng về việc đi thăm, tặng quà các thầy cô giáo còn đang công tác, mắc bệnh hiểm nghèo, nan y trên địa bàn TP, chúng tôi đã lần lượt gặp gỡ, thăm hỏi 33 người do công đoàn ngành đề xuất. Dù trị giá mỗi phần quà dành tặng thầy cô không nhiều, nhưng đây là món quà tinh thần ý nghĩa, chứa đựng sự quan tâm của tổ chức công đoàn và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gửi gắm tới quý thầy cô. Mỗi thầy cô trong cuộc, có điều kiện, hoàn cảnh, mức độ tật bệnh khác nhau nhưng đều như một tấm gương sáng về lòng yêu nghề, hết lòng hết sức vì học sinh thân yêu.

12 giờ, các phòng học của Trường Tiểu học Nguyễn Huệ 3, quận 4 im phắc trong giấc ngủ trưa của học trò bán trú. Lúc đó cô Hiệu trưởng Huỳnh Thị Vinh mới chậm rãi về phòng ăn bữa trưa nhẹ theo chế độ dành cho người bị bệnh bướu cổ đang phải xạ trị. Qua năm sẽ tới tuổi nghỉ hưu, cô Vinh rơm rớm khi trò chuyện với chúng tôi. Cô xúc động không phải là nỗi lo về căn bệnh mà sắp phải xa học trò thân yêu. Ngôi trường khang trang, nề nếp từ nhiều chục năm nay chính là ngôi nhà thân thiết của cô.

Nghe chị Phạm Thị Phương Nhi, chuyên viên Phòng Công tác xã hội Prudential Việt Nam, dặn “nhớ xắt lát nấm linh chi nấu uống thay nước, giúp tăng nội lực”, cô Vinh cười vui, bảo: “Cám ơn lắm sự quan tâm của em. Nội lực của cô chính là học trò, em à”.

Có lẽ nhờ nguồn nội lực lớn lao như thế nên các cô giáo bị suy thận, ngoài 2 - 3 ngày/tuần phải đi viện chạy chữa, vẫn đảm bảo giờ dạy được phân công. Cũng vì cùng lý do đó mà các thầy Lê Tuấn, Võ Văn Thi ở Củ Chi sau giờ xạ trị lại miệt mài đứng lớp. Thầy Bùi Ngọc Đông ở quận 2, yếu rồi không thể đứng lớp vẫn chăm chút lo toan cho trang web của trường để cảm thấy vẫn gần gũi nhà trường và các hoạt động của đồng nghiệp và học trò. Phải yêu nghề, yêu học sinh và tràn đầy nghị lực sống mãnh liệt, các thầy cô mới có thể vượt lên bệnh tật hiểm nghèo để vẫn cống hiến, phục vụ; nêu gương sáng cho chính học trò về tinh thần chịu đựng, vượt khó.

Trước khi được gặp các thầy cô, chúng tôi có một bản trích yếu về hoàn cảnh và tình trạng bệnh của mỗi người. Đều là những gia cảnh khó khăn đến mức ngặt nghèo, trong khi bản thân họ lại mang bệnh nan y, hiểm nghèo; có người như đang bị đeo “án tử”. Nhưng, khi được gặp các thầy cô, chúng tôi không thấy nỗi niềm nặng nề, bi ai mà thay vào đó là không khí đầm ấm, lạc quan, tin cậy.

Nỗi đau bệnh tật hay những khó khăn nghiệt ngã đời thường hình như đã được các thầy cô khỏa lấp thật nhẹ nhàng trong môi trường sư phạm, trong tình đồng nghiệp bao dung, đoàn kết và tình yêu thương, hồn nhiên vô tư của học trò…

Cô Nguyễn Thị Thu Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, hiện đang điều trị bệnh ung thư vòm họng, nhẹ nhõm: “Các trò cứ hay ôm tôi dỗ dành, cô ơi, cô ốm quá, phải ăn nhiều cho khỏe để còn ở lâu nữa với chúng con”.

Nhìn cô giáo đã có thâm niên 30 năm, giờ gầy yếu nhưng ngày ngày lo toan chu toàn đủ thứ bộn bề ở một ngôi trường lớn, vẫn cởi mở, lạc quan, chúng tôi cảm thấy chắc chắn xã hội cần nhiều hoạt động chăm lo cuộc sống, tinh thần những thầy cô cả đời tận tụy với sự nghiệp trồng người.

Phương Nguyên

Tin cùng chuyên mục